7 Tác dụng của dầu nhớt ô tô đốt với động cơ xe
1. Xe để lâu không chạy vẫn cần thay dầu động cơ
Bản thân dầu nhớt ô tô ít bị tiêu hao nhưng trong dầu có nhiều loại phụ gia thực hiện các chức năng khác nhau như làm sạch, chống mài mòn, chống gỉ, chống ô-xy hóa, chống tạo bọt; và khi thực hiện các chức năng này, các phụ gia này bị tiêu hao dần làm cho dầu bị xuống cấp và cần được thay mới.
Vì vậy, xe dù chạy ít, nhưng dầu lưu giữ trong động cơ lâu ngày cũng bị xuống cấp theo thời gian. Do đó bên cạnh số km, nhà chế tạo xe cũng quy định cả thời gian sử dụng dầu thường là 1 năm; nếu sau 1 năm xe chưa đạt số km quy định thì vẫn cần phải thay dầu động cơ.
2. Thời điểm thay tùy từng điều kiện sử dụng
Có những khái niệm phải thay dầu sau khoảng 3.000 km, 5.000 km hoặc 10.000 km. Tất cả đều có thể đúng, nếu xét ở một mặt nào đó. Định kỳ thay dầu thường phụ thuộc vào nhiều yếu tố như đời và tuổi của xe, điều kiện đường xá và khí hậu, thói quen vận hành của lái xe.
Với xe cũ hoặc vận hành trong điều kiện đường xấu, nhiều dốc, ẩm ướt hoặc bụi bặm thì cần thay dầu sớm hơn. Xe chạy trong thành phố với chế độ chạy/dừng liên tục cũng cần thay dầu thường xuyên hơn so với xe chạy đường trường, tốc độ ổn định. Đặc biệt là thói quen lái xe nhẹ nhàng tức là tăng tốc từ từ và không phanh gấp có thể góp phần kéo dài thời gian sử dụng dầu.
3. Dầu nhớt ô tô đen chứng tỏ đã làm việc hiệu quả
Do quá trình cháy nhiên liệu phát sinh nhiều muội, cặn bẩn nên việc giữ cho các bộ phận bên trong động cơ không bị cặn bám là vô cùng quan trọng. Vì vậy, dầu động cơ ô tô có thêm các phụ gia tẩy rửa để làm sạch bề mặt các bộ phận động cơ và phụ phân tán để phân tán cặn thành những phần tử nhỏ lưu giữ chúng trong dầu.
Đó là nguyên nhân dầu động cơ nhanh chóng có màu đen khi sử dụng, điều đó chứng tỏ dầu đã làm việc tốt. Tuy nhiên, mỗi loại dầu chỉ có thể lưu giữ được một lượng cặn bẩn nhất định; quá mức đó thì cặn sẽ lắng đọng và bám trở lại vào bề mặt động cơ – đó là một lý do nữa cho việc cần phải thay dầu đúng kỳ hạn.
4. Thay loại có độ nhớt và chất lượng phù hợp
Để đánh giá và lựa chọn dầu nhớt, có hai tiêu chí tài xế cần chú ý là cấp chất lượng API và cấp độ nhớt SAE.
Cấp chất lượng cho biết loại dầu này có đủ các thành phần cần thiết để thực hiện các chức năng làm mát, vệ sinh, bôi trơn… hay không. Cấp độ nhớt vừa đảm bảo bôi trơn động cơ vừa giúp xe khởi động được trong những điều kiện khắc nghiệt.
5. Cân nhắc lựa chọn giữa loại dầu ô tô tổng hợp và dầu máy thông thường
Nếu sử dụng dầu máy thông thường thì chủ xe cần phải nhớ đi thay dầu đúng lịch. Còn dầu tổng hợp thì có một vài ưu điểm vượt trội hơn: có chứa các chất phụ gia đặc biệt chống lại sự lắng cặn; mức độ nhớt, độ chảy của dầu tốt hơn trong điều kiện thời tiết lạnh (khu vực núi, băng tuyết); duy trì độ nhớt ổn định dù ở nhiệt độ cao (khu vực khí hậu nóng hoặc sa mạc cát).
6. Thêm phụ gia động cơ
Điều này chỉ đúng trong trường hợp các chất phụ gia được các nhà sản xuất hòa sẵn vào dầu trước khi đóng chai. Hầu hết các thương hiệu dầu nổi tiếng đều cho thêm chất phụ gia vào dầu giúp tăng độ nhớt cũng như bảo vệ các chi tiết kim loại bên trong máy.
Do vậy, việc bổ sung thêm các chất phụ gia trôi nổi trên thị trường có thể khiến dầu làm việc kém hiệu quả,hoặc ít nhất cũng gây lãng phí tiền bạc. Để chắc chắn, hãy đọc kỹ hướng dẫn xem nhà sản xuất có yêu cầu thêm loại phụ gia nào không.
7. Không phải dầu càng đặc càng tốt
Quan niệm trước đây của tài xế là dầu nhớt ô tô càng đặc khả năng bôi trơn càng tốt. Tuy nhiên, đó là dầu đơn cấp, chỉ bảo đảm độ nhớt ở nhiệt độ cao đủ để bôi trơn động cơ; còn nhớt hiện nay là loại đa cấp vừa bảo đảm độ nhớt bôi trơn ở nhiệt độ cao, vừa giúp xe khởi động dễ dàng ở nhiệt độ thấp do không quá đặc.