Trên thực tế, những biện pháp phổ biến hay được áp dụng, như bật điều hoà, hé cửa kính..., không thể hiệu quả nhanh chóng. Ngược lại, gió điều hoà sẽ quyện cùng khí độc phát sinh do nhiệt từ các chất liệu da, nỉ, cao su bên trong xe có thể gây hại cho sức khoẻ người ngồi trong xe. Ngoài ra, việc này sẽ còn gây tốn nhiên liệu hơn.
Không khí nóng không phải là tác nhân duy nhất khiến nhiệt độ bên trong xe tăng cao, mà hơi nóng bốc lên từ mặt đường cũng góp phần rất lớn.
- Tránh nóng cho vô lăng
Vô lăng thường được bọc bằng chất liệu da hoặc sợi carbon. Dưới tác động của nhiệt độ truyền dẫn qua kính lái, dù được bọc bằng vật liệu gì, vô lăng cũng sẽ hấp thụ nhiều nhiệt năng và trở nên rất nóng. Bọc vô lăng cũng sẽ không giúp được gì, thậm chí việc làm dày vô lăng còn khiến nhiệt lượng hấp thụ nhiều hơn.
Để tránh tình trạng này, khi đỗ xe tài xế có thể phủ lên trên vô lăng một chiếc khăn để tránh ánh nắng trực tiếp từ ngoài trời.
- Đẩy khí nóng ra ngoài với nguyên lý "bơm xy-lanh"
Hãy tưởng tượng khoang lái là không gian bên trong của một chiếc xy-lanh với phần không khí nóng là chất mà "chiếc xy-lanh" này chứa. Hãy mở cửa bên phụ, đây sẽ là “đầu ra” của luồng khí nóng, sau đó mở và đóng cánh cửa bên lái liên tục khoảng 5-6 lần trong vòng 30 giây. Làm như vậy, lượng khí nóng bức khó chịu trong xe đã giảm đi đáng kể rồi.
- Hạ nhiệt cho cần số
Cũng như vô lăng, cần số là một trong những bộ phận đầu tiên mà người lái sẽ tiếp xúc khi lên xe, và cần số cũng là chi tiết bắt nắng khá nhanh. Vì vậy, trước khi xuống xe, hãy đặt một tờ giấy ướt lên trên cần số để tránh ánh nắng ngoài trời. Tuy nhiên, hãy chọn mua những loại khăn giấy ướt có nồng độ chất tẩy rửa thấp để tránh làm hại bề mặt da hoặc nhựa của cần số.
- Hạn chế đỗ xe dưới ánh nắng trực tiếp
Hãy cố gắng tìm chỗ đỗ xe trong hầm, những nơi có mái che, phần bóng mát của các toà nhà, hoặc bên dưới bóng cây. Nếu không thể tìm được chỗ đỗ nào như vậy, hãy chuẩn bị sẵn trong xe những tấm bạt che nắng đủ lớn để che phủ hết phần nóc xe. Những tấm che nắng được bố trí phía trong cửa kính cũng là một biện pháp chống nóng hiệu quả, giúp điều hoà “nhàn” hơn, ít tốn nhiên liệu hơn và hoạt động bền bỉ hơn.
- Khởi động động cơ trước khi vào xe khoảng 5 phút
Nếu bạn là người nhạy cảm với nắng nóng và nhiệt độ cao, thì trước khi khởi hành hãy mở cửa bên lái và đóng/mở liên tục cánh cửa bên tài xế theo nguyên lý “bơm xy-lanh” để đẩy hết luồng khí nóng ra ngoài. Sau đó, đóng kín các cửa và nổ máy và bật điều hoà ở mức không quà lạnh, khoảng 27 đến 27,5 độ với quạt gió ở mức trung bình trong vòng 5 phút để hệ thống điều hoà có thời gian làm mát khoang lái trước khi lên xe.
Hi vọng những mẹo nhỏ này có thể giúp các bạn xử lý được vấn đề hơi nóng trong xe vào mùa hè!