Vào mùa hè, nhiệt độ ngoài trời có thể lên tới 43 độ C và trong cabin xe hơi, hiệu ứng nhà kính có thể khiến môi trường khi không bật điều hòa có mức nhiệt lên tới 70 độ C chỉ sau vài chục phút.
Với những xe nhỏ, trang bị một dàn điều hòa thì tốc độ mát lan tỏa gần như chỉ tập trung ở hàng ghế thứ nhất, ít nhiều ảnh hưởng đến sự thoải mái của hành khách ngồi sau.
Chính từ những thực tế nêu trên mà cứ mỗi khi đến hè, nhu cầu chống nóng cho ô tô của người dân lại lên, kéo theo nhiều dịch vụ ăn theo sôi động. Tuy nhiên, theo các chuyên gia ô tô, chống nóng hiệu quả cho xe không thật sự cần quá nhiều phương thức như quảng cáo nhan nhản trên mạng internet.
Dưới đây là các cách thức chống nóng cho ô tô phổ biến:
Dán film cách nhiệt
Đây là phương pháp phổ biến hiện nay, áp dụng cho mọi loại xe. Film dán kính xuất phát từ cách thức chống lại hiệu ứng nhà kính khi dán lên bề mặt kính xe hơi tấm polyester kết hợp men gốm và lọc quang phổ hồng ngoại… Mục đích để ngăn cản sự trao đổi nhiệt qua kính, cản tia UV, tia tử ngoại… Nhược điểm của việc dán film cách nhiệt là hạn chế khoảng 20% tầm nhìn của người trong xe tùy thuộc vào độ tối của dòng film dán.
Thị trường film dán kính ở Việt Nam hiện có nhiều thương hiệu và giá bán cũng chênh lệch nhau. Dòng xe 4 chỗ đến 7 chỗ có giá từ 5 đến 9 triệu đồng, gói cao cấp hơn có thể lên tới gần 20 triệu đồng. Nếu chỉ dán ở kính lái, kính hậu, kính sườn giá dao động từ 2 đến 3 triệu đồng tùy vị trí.
Khi dán film cách nhiệt, cần làm ở cơ sở có độ uy tín cao, bảo hành dài bởi đã có nhiều chủ xe “nuốt đắng” khi ham rẻ, dán film chưa qua mùa nóng đã xảy ra tình trạng bong tróc, nổi bong bóng.
Dán tấm cách nhiệt màng nhôm
Thời gian gần đây nhiều cơ sở làm nội thất ô tô nổi lên gói dịch vụ dán tấm cách nhiệt màng nhôm lên trần xe, vách cửa hay lót dưới sàn, thậm chí dán tăng cường ở dưới nắp ca-pô, vách khoang máy
Giới kinh doanh mặt hàng này quảng cáo bề mặt nhôm phát xạ thấp, phản xạ cao ngăn chặn hữu hiệu 95%-97% năng lượng bức xạ đập vào bề mặt nó, chống dẫn nhiệt rất tốt. Giá khoảng 300 nghìn đồng/m2 chưa tính công lắp đặt.
Tuy nhiên, theo kỹ sư Lê Văn Tạch, việc dán thêm lớp màng nhôm này chỉ có tác dụng mang tính…tư tưởng hơn là giảm nhiệt thực tế. “Bản chất nóng trong ô tô là vì hiệu ứng nhà kính do ánh nắng xuyên qua lớp kính chắn. Nên việc dán chống nóng ở trần xe, vách cửa không có tác dụng. Thậm chí việc dán chống nóng ở trong khoang động cơ cũng lợi bất cập hại, đưa vật liệu không chất lượng vào dễ gây nguy cơ cháy nổ,” kỹ sư Tạch nói.
Lắp thêm cửa gió, quạt thông gió
Với những loại xe chỉ có một dàn lạnh và cửa gió ở bệ trung tâm thì việc làm mát nhanh và lan tỏa khắp khoang xe sẽ lâu hơn so với xe có hai dàn cửa gió (dòng 7 chỗ, SUV). Vì vậy, nhiều người đã tìm đến các cửa hàng nội thất ô tô để yêu cầu độ thêm một cửa gió cho hàng ghế phía sau. Hai vị trí thường lắp đặt thêm cửa gió là giữa hàng ghế đầu và trên nóc trần xe.
Việc lắp đặt thêm cửa gió không quá khó vì người thợ chỉ nối thêm ống thông gió đi dưới sàn hoặc lên trần xe, đấu nối vào các loại cửa gió sản xuất bởi bên thứ 3. Mặt hàng này hiện chủ yếu nhập từ Trung Quốc, Đài Loan hoặc Thái Lan. Chi phí cho gói nâng cấp này từ 4 đến 8 triệu đồng tùy loại xe, đã bao gồm công lắp đặt. Tuy nhiên, người lắp cũng nên tìm cửa hàng uy tín, yêu cầu thợ đi đường dây điện an toàn đúng quy chuẩn để không gây nguy cơ chập, cháy.
Dán đề-can, phủ ceramic
Cũng nằm trong trào lưu chống nóng mới xuất hiện, các quảng cáo mời gọi dán đề-can trắng, chrome hoặc đề-can phủ bạc/nhôm trên nóc xe cũng khiến nhiều chủ xe tò mò về công dụng của cách làm này.
Theo các cửa hàng bán dịch vụ này, việc dán đề-can với màu sắc có tính phản xạ ánh sáng mặt trời giúp vỏ xe giảm bớt nhiệt độ khi phải đỗ quá lâu ngoài nắng, giúp bảo vệ lớp sơn nguyên bản của xe cũng như giảm nhiệt cho ca-bin bên trong. Chi phí của gói dán đề-can từ 1,5 đến trên 2 triệu đồng tùy loại xe.
Tuy nhiên các chuyên gia ô tô cho rằng hình thức dán đề-can trên nóc chỉ có tác dụng làm đẹp là chính! Tác dụng giảm nhiệt không đáng là bao vì nóng trong xe đến chủ yếu do hiệu ứng nhà kính. Bên cạnh đó, việc dán đề-can với thành phần keo không thân thiện với sơn xe cũng có thể gây tác dụng ngược, nguy cơ bong tróc hay bám bẩn rất hiện hữu.
Ngoài dán trần xe, nhiều chủ xe còn chọn phủ bóng sứ (Ceramic) cho nước sơn bên ngoài ô tô nhằm mục đích bảo vệ lớp nguyên bản cũng như luôn giữ được độ bóng cho xe. Phương pháp này không có tác dụng chống nóng trên ô tô nhưng khá hiệu quả nếu muốn giảm bớt tác động từ ánh nắng mặt trời mùa hè lên bề mặt sơn ô tô. Giá phủ một lớp trung bình 3,5 triệu đồng với xe nhỏ, 4 đến 5 triệu với xe sedan và SUV/MPV từ 5 đến 6 triệu đồng.
Mua phụ kiện, đồ chơi chống nóng cho ô tô
Thị trường phụ kiện đồ chơi ô tô mỗi dịp hè đến lại sôi động với rất nhiều mặt hàng phục vụ nhu cầu chống nóng cho người sử dụng ô tô. Nhiều nhất vẫn là các loại bạt che toàn xe, tấm che kính chống nắng, ô tự gấp/mở cho ô tô… Giá bán của những món đồ này không quá đắt, từ 300 ngàn đến 500 ngàn đồng cho bạt phủ, tấm che từ 150 ngàn đến hơn 200 ngàn đồng. Riêng loại ô che mở tự động bằng điện khá đắt, có giá từ 3 đến 5 triệu đồng.
Bên trong xe, phổ biến là các đồ chơi chạy điện 12V hoặc pin sạc như quạt nhỏ, quạt thông gió cửa kính, máy lọc không khí, máy tạo ẩm… Giá bán của những món đồ này cũng đa dạng, từ vài trăm ngàn đồng với các loại quạt thổi gió cho đến tiền triệu với máy lọc không khí, tạo ẩm.
Tác dụng chống nóng của những món phụ kiện đồ chơi trên cũng giúp giảm phần nào tác động của nhiệt độ bên ngoài tới xe và con người bên trong. Tuy nhiên, do phần lớn các sản phẩm này bán tràn lan trên thị trường với giá rẻ nên khó có thể kiểm soát được chất lượng cũng như độ bền.