Phân khúc sedan hạng B tại Việt Nam đang chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt từ nhiều tên tuổi lớn nhỏ. Tuy nhận được sự đầu tư lớn từ các hãng nhưng các mẫu xe vẫn còn đó những chứng “bệnh” có thể khiến nhiều khách hàng khó chịu.
Trong bài viết này, danhgiaXe sẽ tổng hợp một số nhược điểm chung cũng như các lỗi thường gặp trên ba dòng xe phổ biến thuộc phân khúc sedan hạng B tại Việt Nam là Hyundai Accent, Honda City và Toyota Vios.
Hyundai Accent
Với lợi thế về giá bán và trang bị trong phân khúc, Accent 2019 nổi lên như một sự lựa chọn đáng cân nhắc giữa những đối thủ Nhật Bản vốn đã quen thuộc tại Việt Nam. Tuy nhiên, dòng sedan hạng B từ Hàn Quốc vẫn không tránh khỏi những nhược điểm và lỗi vặt khiến không ít khách hàng phải cân nhắc khi mua xe.
Đầu tiên, khả năng cách âm của Accent bị đánh giá là chưa tốt. Khi vận hành, người ngồi trên xe dễ dàng nghe thấy nghe thấy những tiếng ồn rất khó chịu, nhất là khi đi xa. Nguyên nhân là do hệ thống cách âm của Accent 2019 chỉ được sử dụng chất liệu cơ bản khiến việc cách âm giữa xe và động cơ chưa tốt.
Bên cạnh đó, khả năng vận hành ở tốc độ cao của Accent vẫn chưa đáp ứng được mong đợi của người dùng. Nguyên nhân đến từ vô lăng trợ lực điện khá nhẹ của xe (nhược điểm chung của nhiều dòng xe Hàn) và cả hệ thống khung gầm thép cường lực AHSS. Bộ khung này được Hyundai quảng bá là giúp tăng độ an toàn khi xảy ra va chạm cho người lái và hành khách. Tuy nhiên, nó vẫn chưa mang đến cảm giác chắc chắn và tự tin khi vận hành ở tốc độ cao.
Ngoài ra, những lỗi vặt khác được nhiều khách hàng phản hồi đến danhgiaXe gồm có lỗi hệ thống camera lùi, màn hình DVD thường khởi động lại khi xe đang chạy, cảm giác kính lái bị rạn khi đang chạy.
Honda City
Đây là mẫu xe rất được chú ý trong phân khúc do đến từ thương hiệu lớn, sở hữu thiết kế trung tính cùng giá bán hợp lý. Tuy nhiên, con bài chủ lực của Honda trong phân khúc xe hạng B vẫn tồn tại không ít nhược điểm khiến khách hàng phải đắn đo.
Đầu tiên, không thể không nhắc đến lỗi ở hệ thống điều hòa của xe. Tuy là mẫu xe hiếm hoi trong phân khúc trang bị cửa gió cho hàng ghế sau, City vẫn không thể khiến khách hàng hài lòng khi nhận nhiều phản ánh về hiệu suất làm việc khá kém của hệ thống điều hòa.
Cụ thể, hệ thống lạnh trên City thường phải mất một lúc lâu mới đạt đúng nhiệt độ mong muốn của hành khách. Theo Honda Việt Nam, có thể do khoảng cách giữa két giải nhiệt với dàn nóng lớn (4-5 cm) nên dòng không khí lưu thông không làm mát được cả dàn nóng một cách nhanh chóng.
Bên cạnh đó, các mẫu City được sản xuất trong khoảng thời gian 2013 -2014 cũng được Honda thông báo là nằm trong diện triệu hồi để khắc phục miễn phí lỗi ở hệ thống túi khí. Cụ thể, tháng 2 năm nay đã có khoảng 1500 xe được triệu hồi. Nguyên nhân nằm ở việc bộ thổi túi khí có thể làm bắn các linh kiện nhỏ khi túi khí bung, gây nguy hiểm cho người điều khiển. Tuy nhiên, việc Honda dám nhận sai và triệu hồi khắc phục miễn phí cũng là một hành động đáng khen dù rằng đối với đa phần khách hàng Việt, động thái này có gì đó làm giảm đi uy tín của thương hiệu lâu đời từ Nhật Bản.
Toyota Vios
Là mẫu xe bán chạy nhất thị trường và là con gà đẻ trứng vàng cho Toyota, doanh số của Vios gần như không có đối thủ trong phân khúc. Một trong những nguyên nhân cho sự phổ biến của Vios là tính kinh tế cũng như độ bền trong quá trình sử dụng. Tuy nhiên, không vì vậy mà mẫu xe này tránh khỏi những chứng bệnh khó chịu khiến không ít khách hàng khó chịu.
Đầu tiên, cũng như đối thủ Honda City, Toyota Vios cũng vướng lỗi túi khí khiến hãng xe Nhật Bản phải mở đợt thu hồi khắc phục hàng loạt. Tương tự City, hệ thống bơm túi khí của Vios do được thiết kế không an toàn nên khi túi khí bung, các mảnh vỡ bên trong bơm có khả năng bắn xuyên qua túi khí gây nguy hiểm cho người dùng.
Bên cạnh đó, sau một thời gian sử dụng (khoảng 3 năm), Toyota Vios cũng bị nhiều người dùng phản ánh về lỗi ở bộ trợ lực phanh qua các triệu chứng như chân phanh cứng, nặng chân phanh, xe bị trôi khi sử dụng phanh….
Không như trên xe hai bánh, hệ thống phanh trên ô tô cần một lực tác dụng lớn để kích hoạt phanh ở cả 4 bánh xe. Do đó, ô tô cần thêm bộ trợ lực chân không để hỗ trợ cho quá trình đạp phanh được nhẹ nhàng và hiệu quả nhất.
Nguyên nhân là do bộ trợ lực chân không bị hở dẫn đến mất áp suất và giảm tác dụng trợ lực khi người lái đạp phanh. Cách khắc phục lỗi khá đơn giản, khách hàng chỉ cần thay lại các gioăng làm kín trong bộ trợ lực để đảm bảo áp suất chân không.
Ngoài ra các lỗi vặt khác mà Vios mắc phải là lỗi tăng dây curoa tự động phát ra tiếng kêu o o, kêu két két lúc đệm chân ga lên, lỗi thước lái (Vios thế hệ 2015 - 2016), lỗi chảy dầu giảm xóc.
Hy vọng qua bài viết này, danhgiaXe đã mang đến cho độc giả cái nhìn tổng quát và khách quan hơn về ba mẫu xe nhận được rất nhiều sự quan tâm trong phân khúc hạng B, qua đó có thêm tư liệu và kiến thức để lựa chọn cho mình mẫu xe ưng ý và phù hợp nhất.