Trải qua 20 năm phát triển trên mảnh đất chữ S, trong đó có 10 năm liên tục đứng đầu phân khúc bán tải, Ford Ranger đã thành lập địa vị khó có thể chối bỏ trong lòng người dùng Việt. Tuy nhiên, nhằm thực hiện theo kế hoạch phát triển toàn cầu của Tập đoàn mẹ, Ford Việt Nam đã chuyển Ford Ranger từ nhập khẩu nguyên chiếc Thái Lan sang lắp ráp trong nước.
Điều này khiến nhiều người dùng Việt cảm thấy mất mát bởi số đông vẫn còn nhiều nghi ngại dành cho xe lắp ráp nội địa. Quan điểm xe nhập khẩu có chất lượng hơn xe lắp ráp đã bám rễ từ lâu và khó có thể thay đổi trong 1 sớm 1 chiều. Chính vì vậy, nhân dịp Ford Ranger bản lắp ráp mới được ra mắt, Ford Việt Nam đã chia sẻ 10 sự thật thú vị về quá trình tạo nên những “ông vua bán tải” tại các nhà máy của Ford:
1. Cứ hai phút lại có một chiếc Ford Ranger “lăn bánh” khỏi dây chuyền sản xuất tại các nhà máy Ford ở Nam Phi (Ford Silverton Assembly Plant) và Thái Lan (Ford Thailand Manufacturing tại Rayong).
2. Cần 101 robot làm việc trong 3 giờ để tạo nên một khung xe Ford Ranger.
3. Có hơn 5.000 điểm hàn trên thân xe của mỗi chiếc Ford Ranger. Để bảo vệ chiếc xe khỏi các yếu tố ăn mòn, khung xe sẽ được xử lý trong 9 bể hóa chất và 2 dàn phun trước khi tiến hành công đoạn sơn.
4. Mỗi chiếc Ford Ranger sẽ được sơn bằng khoảng 6 lít sơn, áp dụng công nghệ sơn 3 lớp 2 lần sấy độc đáo của Ford, cho phép thực hiện các công đoạn phun sơn liên tục bao gồm sơn lót, sơn lớp phủ màu nền và sơn lớp keo bóng - ngay cả khi các lớp sơn của công đoạn trước vẫn còn đang ướt. Sau quá trình sơn, kỹ thuật viên kiểm tra bề mặt bằng dàn đèn Zebra (sáng/tối) hiện đại, nhằm tìm ra các điểm sơn lỗi nếu có.
5. Có 1.500 linh kiện trong mỗi chiếc Ranger và các công đoạn sản xuất 1 chiếc Ranger bao gồm cả hàn thân xe, lắp động cơ hộp số, sơn và lắp ráp hoàn thiện, sẽ mất 6 tiếng đồng hồ trên dây chuyền. Mỗi chiếc xe phải đi qua 1.000 điểm kiểm tra chất lượng trước khi được phép chuyển tới đại lý.
6. Kiểm tra lọt nước (Water Test) là một trong những bài đánh giá chất lượng vô cùng quan trọng. Cụ thể, 17.000 lít nước sẽ được phun trực tiếp vào chiếc Ranger trong 20 phút liên tục nhằm mô phỏng điều kiện thời tiết mưa bão. Sau khi các tia nước được tắt, chuyên gia đánh giá sẽ kiểm tra trực quan đèn hậu, đèn pha và đèn sương mù của phương tiện để đảm bảo rằng các vòng đệm không bị nước tràn vào. Tất cả cửa xe sau đó cũng sẽ được mở để kiểm tra kĩ lưỡng các dấu hiệu ngấm, rò rỉ nước trên gioăng cao su.
7. Sau khi hoàn tất việc kiểm tra xác nhận chất lượng trong nhà máy, mỗi chiếc Ford Ranger phải vượt qua 3 bài thử nghiệm cuối cùng để đảm bảo chất lượng trước khi xuất xưởng. Những bài thử này sẽ được thực hiện trên đường thử theo đúng tiêu chuẩn của Ford và Việt Nam nhằm đáng giá: độ ồn và tiếng động lạ, khả năng chạy tốc độ cao và khả năng vận hành trên đường gồ ghề. Mọi chiếc Ranger đều phải vượt qua toàn bộ các bài thử này trong cùng một lần để đạt yêu cầu xuất xưởng.
8. Để đảm bảo vô lăng và bánh xe được căn chỉnh thẳng hàng, đèn pha chiếu đúng hướng, đúng góc, mọi chiếc Ranger được lắp ráp tại nhà máy Ford đểu được hiệu chỉnh và kiểm tra bằng thiết bị chuyên biệt ở cuối dây chuyền lắp ráp. Hệ thống laser và camera sẽ được sử dụng để kiểm tra độ thẳng hàng của bánh xe cũng như góc chiếu sáng và độ sáng đèn pha. Tiếp đó, chiếc xe sẽ được kiểm tra trên đường thử độ thẳng lái giúp đảm bảo việc vô lăng đã được căn chỉnh hoàn hảo và chiếc xe di chuyển thẳng như một mũi tên.
9. Trong quá trình phát triển, bộ giảm xóc của Ford Ranger phải trải qua nhiều thử nghiệm vật lý và thử nghiệm mô phỏng thông qua phần mềm máy tính phân tích kỹ thuật (CAE). Trong quá trình thử nghiệm, các kỹ sư của Ford thử thách Ranger với 250.000 km lái xe liên tục qua các ổ gà, rãnh, đất đá ngoài thực địa ở điều kiện tải và kéo rơ moóc tối đa. Bài kiểm tra cũng bao gồm hàng triệu km lái xe được phân tích và đánh giá dưới nhiều điều kiện đường xá, tải trọng và thời tiết khác nhau.
Bài thử nghiệm kiểm tra độ hao mòn tổng thể của xe được thực hiện bằng cách cho xe hoạt động 24/7 để mô phỏng 10 năm sử dụng thực tế, bao gồm các thử nghiệm lái xe trên đường gồ ghề, đường sỏi, trong môi trường phun muối, ngâm muối và chạy ở tốc độ cao.
10. Động cơ Bi-Turbo của Ford ra mắt trên Ranger Raptor vào năm 2017 và hiện đã được ứng dụng trên nhiều dòng xe, bao gồm cả Ranger và Everest. Trước đó, khối động cơ này cũng phải trải qua quy trình thử thách độ bền nghiêm ngặt. Các kỹ sư của Ford đã đưa động cơ Bi-Turbo vào thử nghiệm độ bền lên tới 5,5 triệu km. Ngoài ra, ở mỗi giai đoạn phát triển, khối động cơ này đều được trải qua quá trình phân tích toàn diện trong các phòng thí nghiệm và tại các cơ sở phân tích của Ford trên khắp thế giới.
Một ví dụ về việc thực hiện kiểm tra nghiêm ngặt chất lượng động cơ của Ford Ranger có thể kể đến chu trình gia nhiệt, nung nóng cả hai turbo tới mức đỏ rực trong 200 giờ liên tục. Thử nghiệm này ép turbo hoạt động nóng hơn bất kỳ tình huống thực tế nào, và cho thấy động cơ Bi-Turbo có thể hoạt động hiệu quả trong điều kiện lên đến 860oC, qua đó chứng minh độ bền bỉ của các cửa xả cũng như lớp vỏ hợp kim cao cấp của động cơ.