Ngày nay, đối với hầu hết những người lái xe việc không rành về cơ khí đôi khi lại là hạnh phúc. Xe ô tô bây giờ đáng tin cậy lắm chứ nhỉ? Nhưng chẳng lẽ cứ có mỗi hư hỏng lặt vặt lại mang xe tới gara, bỏ một ít tiền ra để sửa? Tại sao lại không nghĩ rằng nếu có những dụng cụ cần thiết ngay trên xe và một chút kiến thức về cơ khí, bạn có thể tiết kiệm được một số tiền không nhỏ bằng cách thực hiện những bảo trì cơ bản cho xe.
Và dưới đây là 5 dụng cụ cần có cho những “kỹ sư cơ khí tại gia”. Không cần bệ nâng, không cần máy tính, chỉ là những thứ đơn giản nhưng sẽ giúp chiếc xe của bạn luôn sạch sẽ, gọn gàng và an toàn.
5. Những chiếc khăn
Khăn cũng được coi là một dụng cụ? Một câu hỏi khá sâu sắc. Dù sao thì bạn cũng nên có một cuộn khăn ở nhà, và đảm bảo rằng trong hộc để găng tay trên xe cũng có một cuộn nữa. Tại sao ư? Những chiếc khăn trông vậy mà lại cực kỳ hữu ích cho hầu hết các công việc, và đặc biệt quan trọng trong việc kiểm tra mực dầu động cơ.
Mỗi động cơ đều uống dầu nhớt cả, và theo thời gian nếu không để ý kiểm tra thì xe của bạn sẽ bị khô dầu. Hãy chắc chắn là cứ khoảng 1.600 km thì phải mở nắp ca-pô lên và nhìn vào que thăm dầu. Trong trường hợp phải châm thêm dầu thì hãy thực hiện theo hướng dẫn sử dụng của xe.
Khi bạn kéo que thăm dầu ra, nó sẽ dính đầy dầu. Lúc này, bạn sẽ cần phải cảm ơn chính mình vì đã mang theo những chiếc khăn vì chúng sẽ được dùng để lau sạch que thăm dầu trước khi bạn thực hiện đo mực dầu.
4. Phễu
Nếu bạn cần đổ thêm dầu hay một loại chất lỏng nào đó thì rất cần có một chiếc phễu. Thử hình dung việc đổ dầu mà không có phễu sẽ tồi tệ thế nào? Chiếc phễu sẽ giúp bạn tránh khỏi việc làm đổ những loại chất lỏng dễ cháy lên bề mặt động cơ, mà mức độ nguy hiểm thì chắc bạn cũng biết, vì động cơ thì luôn nóng. Đó là lý do tại sao bạn nên có một chiếc phễu ở đâu đó trên chiếc xe của mình (cùng một ít dầu dự phòng). Phễu cũng có tác dụng khi xe quá nóng, và bạn muốn châm thêm nước hoặc các loại chất lỏng làm nguội.
3. Đồng hồ đo áp suất lốp
Đôi khi lốp bị xì hơi bởi cán phải những vật nhọn, nhưng hầu hết mọi người thường chỉ quan sát bằng mắt và cứ đinh ninh rằng lốp vẫn còn đủ hơi. Đặc biệt với lốp bố tỏa tròn, tương tự như những lốp xe hiện đại có cấu trúc thành lốp luôn giữ hình dạng như lúc còn đủ hơi. Khi đó, nếu chỉ quan sát, bạn không thể phát hiện ra rằng lốp non hơi, và khi phát hiện ra thì có thể đã quá trễ.
Một thực tế khác là lốp non hơi sinh ra lực ma sát nhiều hơn và làm giảm hiệu suất tiêu hao nhiên liệu của xe. Vì vậy, nếu sơ xuất không kiểm tra áp suất lốp, bạn có thể phải trả tiền cho hậu quả của nó tại những cây xăng. Chúng tôi khuyến cáo, bạn nên kiểm tra áp suất lốp thường xuyên như việc kiểm tra dầu bằng một đồng hồ đo áp suất điện tử có chất lượng tốt. Thông số về áp suất lốp tối ưu thường được dán trên thành cửa xe. Hầu hết các cây xăng đều có dụng cụ bơm hơi nếu bạn thấy lốp xe ô tô của mình cần được bơm thêm.
2. Con đội
Dụng cụ này phức tạp hơn 3 dụng cụ phía trên một chút. Trong trường hợp bạn cần không gian để kiểm tra dầu và lốp xe, nhất là khi lốp xe bị xì hơi thì con đội sẽ chứng minh tầm quan trọng của nó. Cả khi bạn nghe thấy tiếng ken két phát ra từ các má phanh, có lẽ bạn sẽ giật mình và nghĩ, lại phải tốn thêm một ít tiền để mang xe tới gara. Nhưng bạn cũng có thể trực tiếp sửa lỗi này. Má phanh xe loại thường không quá mắc và cũng rất dễ để lắp đặt. Việc cần làm là sử dụng một cặp con đội, và phải nâng đều cả 2 bên để cho an toàn và không ảnh hưởng đến kết cấu khung xe. Đừng bao giờ chỉ nâng một bên xe, điều này sẽ rất nguy hiểm khi bạn đang thực hiện công việc dưới gầm xe. Con đội cũng rất quan trọng khi bạn cần thay dầu, đặc biệt đối với những chiếc xe gầm thấp.
1. Cờ lê cộng lực
Nếu muốn tự thay các má phanh, bạn phải tháo các bánh xe ra, nghĩa là cũng cần gắn chúng lại nữa. Điều này có thể thực hiện với các loại cờ lê thông thường nhưng có những con ốc yêu cầu phải có lực vặn tiêu chuẩn (lực này thể hiện trong sổ tay hướng dẫn vận hành xe), và rất khó để vặn đúng lực với một chiếc cờ lê thông thường. Dĩ nhiên là bạn có thể áng chừng lực, nhưng ngay cả những kỹ sư chuyên nghiệp cũng có thể áng chừng sai. Vì vậy, hãy dùng loại cờ lê có chỉ số lực vặn. Đối với các loại xe du lịch, lực vặn hầu hết đều dưới 100 Nm.