Những dấu hiệu của lốp ôtô xuống cấp cần thay thế
1. Rạn, nứt
Trên khắp bề mặt lốp thường xuất hiện những vết rạn nứt hay còn gọi là rãnh nứt, điều này xảy ra khi lớp cao su bị lão hóa hay chịu ảnh hưởng bời thời tiết mưa, nắng.
2. Lốp quá mòn
Sử dụng xe một thời gian làm phần gai lốp bị mòn đi, khiến độ bám đường giảm hoặc lốp không bám đường, người lái có thể mất kiểm soát xe, nhất là khi di chuyển trên mặt đường ướt, trơn trượt.
3. Lốp mòn không đều
Lốp mòn không đều có thể do nhiều nguyên nhân như di chuyển trên địa hình trắc trở, phân bố tải trọng không đều, áp suất hơi không chuẩn,... khiến cho lốp bị mòn chính giữa, hai bên hay mòn mép trong,...
4. Nứt và phồng thành lốp ôtô
Nứt, phồng ở phần thành lốp thường xảy ra khi xe thường xuyên di chuyển ở những địa hình gồ ghề, lồi lõm... hoặc thói quen sử dụng ôtô với áp suất lốp không đủ, không bảo đảm tiêu chuẩn của 1 chiếc lốp thông thường.
5. Bề mặt lốp xe nhiều lỗ đinh
Lốp xe nhiều lỗ nhỏ do vết đinh để lại là nơi lý tưởng để những viên đá răm có cơ hội lọt vào và là tác nhân trực tiếp khiến ôtô bị xì hơi, thủng xăm trong quá trình di chuyển. Quan sát thấy vết đinh để lại quá nhiều, chủ xe không nên cố sử dụng mà cần thay thế ngay cho "xế yêu" một chiếc lốp mới.
Những cách bảo dưỡng, tăng tuổi thọ cho lốp xe
1. Kiểm tra áp suất lốp mỗi ngày
Việc duy trì áp suất lốp đúng rất đơn giản và rất cần thiết để đảm bảo hiệu suất vận hành của lốp. Lốp quá non hay quá căng đều có thể gây ra các sự cố như lốp nhanh mòn và nhanh hư.
- Áp suất thấp làm lốp dễ bị rạn nứt hoặc phồng
- Áp suất cao quá 20% sẽ khiến lốp giảm tuổi thọ xuống 10.000 km.
- Áp suất chuẩn vừa đảm bảo an toàn, vừa tiết kiệm nhiên liệu hơn.
2. Trạng thái lốp luôn phải được cân bằng
Nguyên nhân xảy ra tình trạng không cân bằng của lốp xe ôtô có thể do lốp thay thế không đồng đều; lốp mới không tương thích vành, lazang;...
Để lốp luôn ở trạng thái cân bằng thì việc căn chỉnh độ chụm của bánh xe cũng rất quan trọng, giúp các bề mặt lốp tiếp xúc đều cùng một áp suất hợp lý. Điều này đồng thời cũng bảo vệ hệ thống treo, hệ thống lái và vòng bi xe.
3. Kiểm tra van lốp
Van lốp và nắp van cần được kiểm tra thường xuyên. Khi xe di chuyển ở tốc độ cao, van lốp dễ bị bẻ cong khiến không khí bị dễ dàng thoát ra ngoài, làm giảm áp suất của lốp trong quá trình sử dụng.
Nhận thấy có dấu hiệu hỏng, nứt gãy cần lập tức thay thể để đảm bảo an toàn trong suốt quá trình di chuyển.
4. Bảo quản lốp khi xe lâu ngày không sử dụng
Lâu ngày không sử dụng xe khiến lốp sẽ bị thoát hơi và làm giảm áp suất lốp, thậm chí bị biến dạng nếu để "đắp chiếu" trong thời gian dài.
"Xế yêu" tốt nhất nên được cất trong nhà tránh mưa, nắng để những chi tiết làm từ cao su không bị lão hóa. Tránh nơi có hóa chất, hydrocarbon hoặc dung môi đồng thời không để lốp ở nơi có khả năng thẩm thấu cao su.
5. Đảo lốp định kỳ
Trong quá trình vận hành, trọng lượng ôtô dồn lên 4 bánh xe là không đồng đều. Điều này dẫn tới tình trạng hao mòn quá nhiều về một phía của lốp và có thể gây ra nổ lốp khi lưu thông ở tốc độ cao hoặc gây mất lái khi đường trơn trượt.
Để hạn chế đến mức tối đa và tránh tình trạng trên thì đảo lốp là phương pháp hiệu quả và dễ dàng nhất đối với chủ xe. Theo định kỳ sau mỗi 5.000 - 7.000 km tùy theo từng loại lốp oto cần được đảo lốp 1 lần.