Lốp ô tô không lưu thông vẫn bị lão hóa bình thường
Một chiếc ô tô có khoảng 30.000 chi tiết. Rất nhiều bộ phận làm việc cùng nhau để giúp xe chạy, điều hòa hoạt động, đầu máy phát âm thanh và đèn pha chiếu sáng, cùng nhiều thứ khác. Nhìn chung, sự phức tạp của các bộ phận cấu thành khiến chiếc xe có nhiều nguy cơ hỏng hóc từ vô số lý do, một trong số đó là tình trạng lốp xe bị lão hóa.
Một nghiên cứu của Cơ quan an toàn giao thông quốc gia Mỹ NHTSA cho thấy, từ 2007 đến 2010, có gần 11.100 tai nạn xe hơi liên quan tới lốp xe được ghi nhận tại Mỹ. 195 người chết và khoảng 6.400 người bị thương trong những tai nạn này.
Một phân tích các tai nạn thuộc hệ thống lấy mẫu xe quốc gia Mỹ trước đó dự tính, có 90 người tử vong và thêm 3.200 người bị thương mỗi năm mà lốp xe lão hóa là một nhân tố.
Lốp ô tô bị lão hóa cần nhận biết sớm để xử lý kịp thời vì rất dễ gây tai nạn.
Thực tế, theo các chuyên gia về ô tô, sau một số năm hoạt động, ta-lông của một chiếc lốp dường như vẫn còn rất tốt khiến không ít người không cưỡng lại được tính tiết kiệm, tận dụng để tiếp tục sử dụng chiếc lốp đã có tuổi.
Ngoài ra, nhiều người nghĩ rằng, lốp ô tô sẽ không hư hại gì nếu không sử dụng. Nhưng thực tế, các rãnh và hoa lốp vẫn bị hư hỏng, ngay cả khi không chạy xe. Nếu xe được sử dụng thường xuyên, trung bình khoảng 19.000 - 24.000 km mỗi năm, hoa lốp sẽ bị mòn trước khi lớp cao su tổng hợp bị thoái hóa. Nhưng nếu chỉ chạy xe vào dịp cuối tuần khoảng 10.000 km/năm, lốp có thể bị lão hóa trước khi mòn quá mức.
Nguyên nhân khiến cao su hư hại là do thành phần oxy trong không khí. Các chuyên gia kinh nghiệm về ô tô cho biết, "tuổi thọ" của một chiếc lốp trung bình không quá 10 năm, bởi quá trình lão hóa cao su là chuyện chắc chắn xảy ra.
Cao su khi bị ô xy hóa sẽ khô hơn, khiến lốp trở nên cứng hơn và dễ bị nứt vỡ. Nếu người sử dụng xe không quan tâm đến các vết nứt, khi vận hành sẽ rất dễ xảy ra tai nạn, do bánh xe không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng.
Bên cạnh ô xy, các yếu tố từ môi trường khác như hơi nóng, độ ẩm... cũng tác động rất lớn tới lốp xe. Không khí chứa tại các lớp kết cấu lốp theo thời gian sẽ thoát ra ngoài, đẩy nhanh quá trình ô xy hóa. Đây là nguyên nhân chiếc xe của bạn bị xịt lốp khi "đắp chiếu" một thời gian. Rất quan trọng với người đi xe khi hiểu rằng oxy hóa, sức nóng và hàng nghìn cây số đường đi tác động thế nào tới lốp.
Các hãng xe, công ty sản xuất lốp, nhà sản xuất cao su, các cơ quan an toàn giao thông có thể đưa ra những khuyến cáo khác nhau về tuổi thọ lốp, và khó đánh giá được khi nào cần thay lốp vì chất lượng lốp phụ thuộc nhiều yếu tố. Tuy nhiên, nếu lốp xe bị rạn hay nứt ở những khu vực như thành lốp hay ta-lông, hoặc bị phồng, đều là dấu hiệu cho biết nên thay lốp mới, tránh phớt lờ sẽ gây hậu quả nghiêm trọng.
Chăm sóc và bảo dưỡng lốp xe như thế nào?
Chọn lốp ô tô đạt tiêu chuẩn chất lượng và thường xuyên bảo dưỡng. Mỗi loại xe sẽ có tiêu chuẩn lốp riêng. Do vậy, việc chọn đúng loại lốp sẽ đảm bảo chất lượng lốp và chiếc xe vận hành an toàn.
Cần kiểm tra độ mòn và độ sâu gai lốp. Theo thời gian, các rãnh và hoa lốp sẽ bị mòn, độ bám đường vì thế sẽ giảm đi. Do vậy trước khi vận hành, chủ xe cần kiểm tra độ mòn lốp và tiến hành thay thế khi các rãnh quá nông.
Tiến hành đảo lốp thường xuyên bởi các bánh xe có độ mòn không giống nhau. Thông thường, lốp trước thường mòn nhanh hơn lốp sau do chịu lực ma sát nhiều hơn. Việc đảo lốp sẽ hạn chế tình trạng mòn không đều, từ đó kéo dài tuổi thọ cho lốp.
Cần kiểm tra lốp ô tô theo định kỳ. Theo các bác tài nhiều năm kinh nghiệm lái xe ô tô, lốp ô tô nên được kiểm tra định kỳ mỗi lần đi 50.000 km. Bên cạnh đó, chiếc xe cũng cần được cân mâm và chỉnh thước lái nhằm đảm bảo lốp không bị mòn bất thường, giảm rung và nâng cao sự êm ái.
Cần thay lốp khi xuất hiện vết nứt vỡ. Thay lốp khi xuất hiện vết nứt. Các dấu hiệu nứt vỡ tại thành lốp, rãnh hay hoa lốp cảnh báo cần nhanh chóng thay thế một chiếc lốp mới cho xe.
Tiêu chuẩn bơm lốp xe ô tô Có hai đơn vị đo áp suất được sử dụng là Psi và Bar. Đơn vị đo áp suất phổ biến nhất là Psi, quy đổi 1 Kg/cm2 =14,2 Psi. Một chiếc lốp thông dụng thường có áp suất 30 Psi. Bên cạnh đó, một số hãng xe sử dụng đơn vị Bar để đo áp suất lốp xe. Áp suất thông thường của lốp xe là 2.1 Bar ( tương đương 30 Psi). Trường hợp nếu lốp quá non sẽ làm tăng bề mặt tiếp xúc với mặt đường và làm tăng độ ma sát, dẫn đến động cơ phải hoạt động nhiều hơn, giảm tính tiết kiệm nhiên liệu và gây hiện tượng biến dạng bề mặt lốp như méo, phình hoặc mòn không đều ảnh hưởng tới tuổi thọ của lốp xe. Hoặc bơm lốp xe quá căng sẽ làm giảm lực ma sát của mặt đường và lốp, những trường hợp cần phải phanh gấp sẽ rất dễ làm xe trượt đi. Thêm vào đó, vào mùa hè, nhiệt độ mặt đường tăng cao, trong khi người điều khiển xe ô tô di chuyển với cùng độ ma sát giữa lốp xe và mặt đường nhựa hoặc đường bê tông sẽ làm lốp xe nóng lên, khi đó, lốp xe dễ bị nổ lốp gây nguy hiểm tới người đang sử dụng xe. Vì vậy, người điều khiển nên chú ý bơm lốp xe không quá non hoặc quá căng mà cần đúng tiêu chuẩn hướng dẫn của nhà sản xuất. |