Mỗi chiếc ô tô được cấu thành từ nhiều bộ phận, theo các chuyên gia kỹ thuật của VNCCAR SEVICE mỗi bộ phận đều có tuổi thọ, thời gian sử dụng khác nhau. Vì vậy, ngoài việc bảo dưỡng định kỳ theo khuyến cáo của nhà sản xuất, người dùng nên thường xuyên kiểm tra để đảm bảo an toàn khi vận hành xe, đồng thời tránh hư hỏng phát sinh.
Trong thực tế, với điều kiện đường sá giao thông, khí hậu tại VN, một số bộ phận sau đây thường rất dễ hao mòn, hư hỏng, vì vậy các tài xế nên thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng:
Mỗi bộ phận trên ô tô có tuổi thọ, thời gian sử dụng khác nhau |
Lốp xe là bộ phận tiếp xúc trực tiếp với mặt đường, dễ bị ăn mòn sau một thời gian sử dụng. Với điều kiện đường sá giao thông tại VN, lốp xe thường gặp sự cố do cán đinh, áp suất không đảm bảo hay bị bào mòn nhanh do mặt đường xấu.
Vì vậy, trong quá trình sử dụng xe, lái xe nên chú ý đến áp suất từng lốp. Hiện nay, một số xe đời mới được trang bị hệ thống cảnh báp áp suất lốp, thông tin từng lốp xe luôn hiển thị trên bảng đồng hồ trung tâm. Với các xe không có hệ thống này người lái nên trang bị dụng cụ đo áp suất lốp. Thông số áp suất tiêu chuẩn của từng lốp thường được dán trên thành cửa trước phía người lái. Nếu lốp được bơm quá non hoặc quá căng sẽ dẫn đến việc bị mòn không đều và tuổi thọ lốp sẽ bị giảm. Ngoài ra, nên chú ý đến bề mặt lốp, nếu phát hiện có những vết cắt sâu, bị rạn nứt bất thường hay độ mòn lớn hơn mức tối thiểu nên thay thế.
Lái xe nên thường xuyên kiểm tra áp suất cũng như các bề mặt lốp |
Theo khuyến cáo, lốp xe sử dụng khoảng 40.000 - 50.000 km sẽ có những thay đổi về mặt kỹ thuật. Tuy nhiên nếu phát hiện lốp bị rạn nứt ngay cả khi chưa mòn tới giới hạn nên tính đến phương án thay thế để đảm bảo an toàn.
Cần gạt mưa, nước rửa kính
Đây là bộ phận nhỏ nhưng đóng vai trò quan trọng trong việc làm sạch kính lái, giúp tài xế đảm bảo tầm nhìn. Nhà sản xuất thường khuyến cáo người dùng ô tô nên thay cần gạt nước sau khi sử dụng từ 12 - 18 tháng. Tuy nhiên, với thời tiết nóng ẩm tại VN, các chốt nối cần gạt rất dễ bị gỉ sét, bề mặt cao su của lưỡi gạt nước dễ bị biến dạng, bào mòn.
Kiểm tra cần gạt mưa và châm nước rửa kính |
Nếu phát hiện cần gạt rung mạnh, phát ra tiếng kêu hay không gạt sạch… tài xế nên kiểm tra lưỡi cao su trên cần gạt và thay thế mới. Việc thay thế cũng khá đơn giản, người dùng có thể tự tiến hành mà không cần đưa đến tiệm sửa chữa. Bên cạnh đó, nên chú ý kiểm tra các chốt nối, lò xo trên cần gạt. Thường xuyên kiểm tra và và lau sạch vết bẩn bám trên cần gạt đồng thời chú ý châm đầy bình nước rửa kính trên xe.
Trong quá trình sử dụng, lái xe nên chú ý kiểm tra hoạt động của hệ thống phanh. Nếu phát hiện một trong các hiện tượng như cảm giác bàn đạp phanh “mềm” hơn so với bình thường, phanh cứng hiệu quả phanh giảm, phát ra tiếng kêu hay đèn báo phanh bật sáng... nên mang xe đến garage để kiểm tra, sửa chữa.
Thay thế những má phanh đã bị mòn, giảm độ ma sát |
Hiện nay, các loại ô tô đời mới thường được trang bị hệ thống phanh đĩa, một số xe đời cũ dùng phanh tang trống, theo thời gian sử dụng má phanh sẽ bị mòn, giảm ma sát dẫn tới hiệu quả phanh kém, trong trường hợp này nên thay thế má phanh và tráng lại đĩa phanh. Ngoài ra, theo khuyến cáo để đảm bảo hoạt động của hệ thống phanh, người dùng nên thay mới tối thiểu 2 năm/lần. Nếu phát hiện dầu phanh bị rò rỉ hoặc piston bị kẹt cần phải thay thế. Nên vệ sinh, lau xịt kĩ cụm phanh trên từng bánh xe sau khi rửa xe, để tránh đất cát bám vào đĩa phanh, má phanh làm giảm hiệu quả khi phanh.
Dầu máy
Dầu nhớt động cơ cũng như lọc nhớt thường được nhà sản xuất khuyến cáo thay mới sau khi sử dụng xe khoảng 5.000 - 10.000 km tùy theo điều kiện vận hành. Tuy nhiên, trong thực tế nếu thường xuyên vận hành xe trong thành phố đông đúc hoặc môi trường nhiều bụi bẩn, lái xe nên thường xuyên kiểm tra tình trạng của dầu nhớt động cơ.
Dùng que thăm dầu để kiểm tra tình trạng dầu nhớt động cơ |
Công việc này khá đơn giản, tài xế chỉ cần mở nắp capô, rút que thăm dầu trên động cơ để kiểm tra. Với dầu động cơ, nên chú ý vào 2 yếu tố mức dầu và màu sắc. Nếu mực dầu thấp, bạn nên bổ sung. Dầu còn tốt phải có màu nâu ánh vàng và không dính cặn bẩn. Nếu dầu có màu tối với nhiều cặn bẩn, bạn phải thay dầu cũng như bộ lọc dầu.
Dung dịch làm mát động cơ
Nước làm mát đóng vai trò là cầu nối trung chuyển nhiệt lượng từ động cơ ra két làm mát. Vì vậy, nếu để cạn nước làm mát sẽ gây ảnh hưởng đến hoạt động của động cơ ô tô. Theo chuyên gia kỹ thuật Ford, để tránh làm thay đổi thành phần hóa học trong nước làm mát động cơ, người dùng nên thay sau 40.000 km.
Đảm bảo mực nước làm mát trong bình nước phụ luôn nằm ở giữa vị trí “Max” và “Min” |
Bên cạnh đó, việc kiểm tra mực nước làm mát phải được thực hiện thường xuyên. Đảm bảo mực nước làm mát trong bình nước phụ luôn nằm ở giữa vị trí “Max” và “Min” khi động cơ đang nguội. Nếu mực nước làm mát thấp hơn mức “Min” trong bình nước phụ thì phải mở nắp bình nước phụ và nắp két nước để châm thêm nước.
Đèn chiếu sáng
Những sự cố như cháy bóng đèn, đèn mờ hay lệch góc sáng… luôn khiến người lái gặp khó khăn khi điều khiển ô tô nhất là vào ban đêm. Vì vậy, trước mỗi chuyến đi, lái xe nên dành thời gian kiểm tra hoạt động của hệ thống đèn chiếu sáng. Đảm bảo đèn vẫn hoạt động bình thường ở các chế độ pha, cốt. Đạp phanh và nhờ người hỗ trợ quan sát để kiểm tra hoạt động của hệ thống đèn phanh. Bên cạnh đó, nên chú ý kiểm tra đèn xi nhan, loại đèn này hoạt động trong trạng thái nháy với một tần số nhất định. Nếu phát hiện đèn có dấu hiệu hư hỏng (nháy quá nhanh hoặc quá chậm so với bình thường) cần phải kịp thời sửa chữa.