Với công nghệ ngày càng phát triển của ngành ô tô, việc độ một chiếc xe thể hiện độ chịu chơi và thể hiện phong cách riêng của mỗi người trở nên đơn giản hơn. Trong đó, cách độ xe cơ bản nhất được nhiều người lựa chọn chính là độ la-zăng cho chiếc xe của mình. Vậy làm thế nào để lựa chọn được bộ la-zăng vừa đúng sở thích, vừa hợp với túi tiền và đáp ứng được các yêu cầu kĩ thuật, bài viết sau sẽ nói lên điều đó
Xác định nhu cầu trước khi độ la-zăng
Việc độ la-zăng chủ yếu thể hiện độ chịu chơi và làm đẹp cho chiếc xe của bạn. Bạn nên xác định nhu cầu của mình trước khi quyết định độ la-zăng. Bạn độ la-zăng để đi đường địa hình, đường trường hay trong thành phố, đi làm hay đi chơi,... Mỗi nhu cầu sẽ có kích thước la-zăng và bộ lốp phù hợp. Các cửa hàng, trung tâm làm công việc này sẽ dựa vào thông số kỹ thuật của chiếc xe bạn và tư vấn giúp bạn lựa chọn bộ la-zăng và bộ lốp phù hợp nhất. Nếu không xác định được nhu cầu mà chỉ độ cho đẹp, có thể bạn sẽ tiền mất tật mang khi bộ la-zăng độ không phù hợp với chiếc xe.
Tìm hiểu về các loại la-zăng
Các loại la-zăng tại Việt Nam hầu hết được các cửa hàng nhập về từ Thái Lan, Đài Loan, Trung Quốc, Malaysia... được phân loại theo kích thước, đường kính, độ dày mặt tiếp xúc, kiểu bố trí để lắp đặt. Ngoài ra, những bộ la-zăng dành cho những dòng xe cao cấp như Mercedes, Audi, BMW, Lexus, Toyota, Honda...được sản xuất riêng hoặc những bộ la-zăng độc và đắt tiền được chủ xe đặt tại các hãng nổi tiếng bên nước ngoài như BBS hay O.Z dành cho xe đua hoặc các loại la-zăng riêng biệt dành cho xe thể thao của AMG, Brabus (Mercedes), M-Sport (BMW).
Các loại la-zăng hiện nay được làm từ nhiều chất liệu khác nhau như: thép, hơp kim nhôm, hợp kim magie hay carbon. Các mẫu la-zăng cao cấp phổ biến được làm bằng hợp kim nhôm siêu nhẹ được phủ lớp sơn cao cấp.
Thông thường, loại la-zăng có vành lớn hơn sẽ có mức giá cao hơn. Kết cấu cũng như cách bố trí chấu la-zăng, chất liệu, màu sắc cũng ảnh hưởng đến giá thành của các loại la-zăng.
Ưu nhược điểm khi độ la-zăng cho xe
Độ la-zăng cho xe thường tuân theo một tiêu chuẩn về thông số lốp và la-zăng. Thường các chủ xe sẽ độ la-zăng mới theo kích cỡ lớn hơn cùng bộ lốp mỏng để tăng vẻ hầm hố và thẩm mỹ hơn cho chiếc xe. Ngoài việc tăng độ chịu chơi cho chiếc xe, việc độ la-zăng cũng có một số ưu và nhược điểm như sau:
Ưu điểm: Khi độ la-zăng tăng đường kính, chúng ta sẽ phải thay bộ lốp có độ cao thành lốp mỏng hơn, nhờ đó cho cảm giác lái thực hơn và khả năng bám đường của xe tốt hơn. Chính vì thế, khi xe chạy ở tốc độ cao sẽ an toàn hơn khi bị nổ lốp và khi phanh gấp, quãng đường phanh sẽ ngắn hơn.
Nhược điểm: Khi thay thế bộ la-zăng và bộ lốp lớn, xe sẽ xóc và ồn hơn khi chạy ở địa hình xấu và tăng tiêu hao nhiên liệu. Độ la-zăng đồng nghĩa với việc bạn phải thay bộ lốp mới tương ứng nên sẽ khá tốn chi phí, lốp càng mỏng thì giá thành càng cao và kích thước lốp lớn hơn cũng ảnh hưởng ít nhiều đến hệ thống treo, dẫn đến các bộ phận ở hệ thống treo nhanh hao mòn hơn, kích thước lốp lớn hơn cũng ảnh hưởng đến hệ thống cân bằng điện tử ESP và hệ thống ABS của xe. Hơn nữa, các mẫu mã la-zăng đa dạng về mẫu mã và nguồn gốc gốc xuất xứ nên giá cả có thể chênh lệch nhiều tùy theo chất lượng và mẫu mã. Ngoài ra, nếu xui xẻo bạn cũng có thể bị cảnh sát giao thông thổi phạt vì “Điều khiển xe lắp bánh lốp không đúng kích cỡ hoặc không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật”.
Sau khi đã tìm hiểu kỹ về mẫu mã, nguồn gốc của các loại la-zăng trên thị trường cũng như ưu nhược điểm khi độ la-zăng cho xế yêu, các bạn nên chọn bộ la-zăng phù hợp với túi tiền của mình và chọn một địa điểm độ la-zăng uy tín và chuyên nghiệp.