Một trong những sự kiện xe thú vị nhất trong năm nay tại Việt Nam có lẽ là khi Wuling chính thức cho ra mắt mẫu Wuling HongGuang MiniEV. Ngay từ khi có những thông tin chưa chính thức, mẫu xe nhỏ xinh này đã khiến nhiều người chú ý, phần nhiều vì mức giá của chiếc xe.
Tại Trung Quốc, Wuling HongGuang MiniEV có giá quy đổi chưa đến 5.000 USD (chưa tới 120 triệu VNĐ). Với mức giá chỉ tương đương một chiếc xe máy tay ga cao gấp tại Việt Nam, Wuling HongGuang MiniEV vẫn có đủ chỗ cho 4 người, có đủ tiện ích để sử dụng hàng ngày trong phố và được xem là giải pháp cho những ai đang tìm kiếm một chiếc xe che mưa nắng mà không đủ khả năng chi trả cho những chiếc xe đắt đỏ.
Nhưng với một mẫu "xe ô tô" có giá ngang xe máy, độ an toàn của nó ra sao?
Để giải đáp thắc mắc này, Viện An toàn Va chạm Xe hơi (thuộc Cơ quan An toàn Giao thông - Vận tải Trung Quốc) đã tiến hành cuộc thử nghiệm an toàn giữa Wuling HongGuang MiniEV và Jiakuma JKM-G1.
Theo thông tin do Viện cung cấp, Wuling HongGuang MiniEV có khung thân được làm bằng thép cường độ cao từ 340~450 MPa, còn Jiakuma JKM-G1 là một chiếc xe điện nội địa giá rẻ, nhỏ gọn. Cả hai chiếc xe có chiều dài không quá 3 mét, đều bố trí 4 chỗ ngồi, đều có trọng lượng gần như tương đương nhau - Wuling HongGuang MiniEV là 560 kg và Jiakuma JKM-G1là 568 kg.
Sau khi đâm trực diện ở vận tốc 64 km/h với độ lệch 50%, đầu của Jiakuma JKM-G1 màu đỏ dập nát hoàn toàn, hàng ghế trước gần như bẹp dúm. Hình nộm đặt ở ghế lái trên chiếc xe này cũng bị đứt lìa với phần cánh tay bị rơi hẳn ra ngoài. Nếu đây là một vụ va chạm thật thì người ngồi hàng ghế đầu gần như không có cơ hội sống sót
Trong khi đó, Wuling HongGuang MiniEV, do khung xe được thiết kế có một vùng hấp thụ lực nên phần đầu hư hại ít hơn và chiếc xe vẫn giữ được không gian ở hàng ghế đầu. Bên cạnh đó, hai cột A trên Wuling HongGuang MiniEV cũng không bị gãy.
Cú va chạm khiến việc mở cửa chiếc Wuling trở nên khó khăn. Dù vậy, có thể thấy bộ pin của Wuling HongGuang MiniEV dường như vẫn còn nguyên vẹn, không có dấu hiệu rò rỉ chất điện phân ở khu vực này. Như vậy, quá trình tự phát nổ cũng sẽ không diễn ra.
Theo đánh giá, nếu va chạm xảy ngoài đời thì lái xe vẫn sẽ có cơ hội sống sót, nhưng mang thương tích ở chân và đầu do không được trang bị túi khí.
Dự đoán ban đầu cho rằng cả hai chiếc xe sẽ có mức độ an toàn tương đương, nhưng sau khi thử nghiệm thì hai chiếc xe cho kết quả rất khác nhau. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng đây là màn thử nghiệm giữa hai chiếc microcar. Trong trường hợp Wuling HongGuang MiniEV, hoặc Jiakuma JKM-G1, va chạm với một chiếc xe thông thường nặng khoảng 1.200 đến 2.400 kg thì kết cục có thể bi thảm hơn nhiều lần.
Trên thực tế, đã có nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng cho thấy Wuling HongGuang MiniEV không đủ an toàn với người dùng nếu sự cố kiểu mô phỏng đâm va xảy ra.
Một vụ tai nạn đã xảy giữa một chiếc Audi A4L với Wuling HongGuang MiniEV tại Hà Bắc, Trung Quốc. Trên chiếc Audi A4L, túi khí đã bung và tài xế lẫn hành khách chỉ bị thương, nhưng người ngồi trên chiếc Wuling HongGuang MiniEV thì khác - tử vong tại chỗ.
Ảnh hiện trường cũng cho thấy phần đầu của chiếc Wuling HongGuang MiniEV đã vỡ nát hoàn toàn. Cú va chạm đã khiến cột A của Wuling HongGuang MiniEV bị uốn cong đáng kể; đồng thời, việc túi khí không phải trang bị tiêu chuẩn cũng khiến người dùng thực sự quan ngại về độ an toàn của chiếc xe "gây sốt" này.
Một vụ việc tương tự cũng đã từng xảy ra, cho thấy Wuling HongGuang MiniEV là một mẫu xe kém an toàn nếu đâm va.
Vụ việc xảy ra tại một ngã tư ở Trung Quốc, dù hai xe đi với tốc độ khá chậm nhưng sau khi bị một chiếc Toyota Camry đời 2010 va vào thì chiếc Wuling HongGuang MiniEV đã lật ra đường. Sau vụ việc, có nhiều ý kiến cho rằng chính kích thước nhỏ gọn khiến Wuling HongGuang MiniEV dễ bị lật hơn các loại xe khác.
Wuling HongGuang MiniEV lật ngửa sau va chạm với Toyota Camry
Một trong những phiên bản mới nhất của Wuling HongGuang MiniEV là Macaron, được bán tại Trung Quốc với giá dao động từ 37.600 - 43.600 Nhân Dân Tệ (132 – 157 triệu đồng). Phiên bản này khác biệt với các màu sắc tươi tắn, trẻ trung. Đây cũng là phiên bản xuất hiện tại nhà máy TMT Motors Việt Nam.
Phiên bản Macaron được trang bị túi khí nhưng chỉ cho người lái, ghế phụ và hàng ghế sau không có gì bảo vệ ngoài dây đai an toàn.
Hệ thống cân bằng điện tử ESP cũng không được trang bị. Được biết, ESP là hệ thống được trang bị phổ biến trên ô tô nhằm tăng tính an toàn, giảm thiểu tối đa nguy cơ xe bị mất lái, chệch khỏi quỹ đạo khi đang di chuyển, có lẽ rất cần thiết với một mẫu xe có bánh nhỏ như Wuling HongGuang MiniEV.
Ngoài ra, toàn bộ cấu trúc thân máy, kể cả thời lượng pin cũng không có gì thay đổi và vẫn chưa có sạc nhanh.
Cần nhớ, Wuling HongGuang MiniEV là mẫu xe có mức giá rất rẻ, không thể đòi hỏi quá nhiều cho một món tiền nhỏ. Kể từ khi ngành công nghiệp ô tô điện phát triển trên toàn cầu nói chung và ở Trung Quốc nói riêng, có thể nói rằng, năng lực sản xuất của ngành xe điện Trung Quốc đã tăng phi mã. Nhờ vào sức mạnh của chuỗi cung ứng linh hoạt và nhân công giá rẻ, Trung Quốc đã đạt được mục tiêu sản xuất với chi phí thấp.
Tuy nhiên, giữa ưu thế về giá thành với sự kém an toàn với bản thân liệu, người tiêu dùng hẳn sẽ phải cân nhắc rất kỹ lưỡng.