Hỏi và đáp với chuyên gia

Đăng kiểm xe ô tô: Thời hạn, cách tra cứu, chi phí, thủ tục, quy trình

Nắm rõ cách tra cứu đăng kiểm, phí đăng kiểm, thủ tục, quy trình đăng kiểm ô tô sẽ giúp quá trình đăng kiểm xe thuận lợi và nhanh chóng hơn.

Đăng kiểm là hoạt động kiểm tra, giám sát, xác nhận việc tuân thủ các tiêu chuẩn bảo đảm an toàn vận hành của phương tiện cơ giới đường bộ, an toàn của người và hàng hóa trên phương tiện đó. Theo quy định, chủ xe ô tô có nghĩa vụ đưa xe đi đăng kiểm định kỳ đúng hạn.

Theo Thông tư 70/2015/TT-BGTVT, chu kỳ đăng kiểm đối với từng loại xe được quy định như sau:

Ô tô chở người các loại đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải:

  • Chu kỳ đăng kiểm lần đầu: 30 tháng
  • Chu kỳ đăng kiểm định kỳ với xe sản suất dưới 7 năm: 18 tháng
  • Chu kỳ đăng kiểm định kỳ với xe sản suất từ 7 – 12 năm: 12 tháng
  • Chu kỳ đăng kiểm định kỳ với xe sản suất trên 12 năm: 6 tháng

Ô tô chở người các loại đến 9 chỗ có kinh doanh vận tải và ô tô chở người các loại trên 9 chỗ:

  • Chu kỳ đăng kiểm lần đầu với xe không cải tạo: 18 tháng
  • Chu kỳ đăng kiểm lần đầu với xe có cải tạo: 12 tháng
  • Chu kỳ đăng kiểm định kỳ với xe không cải tạo và có cải tạo: 6 tháng
  • Chu kỳ đăng kiểm định kỳ với xe đã sản xuất trên 15 năm: 3 tháng

*Xe có cải tạo là xe đã được thay đổi tính năng sử dụng, thay đổi trong các hệ thống như: hệ thống lái, hệ thống phanh, hệ thống treo, hệ thống truyền lực…

Ô tô tải các loại, ô tô chuyên dụng, ô tô đầu kéo:

  • Chu kỳ đăng kiểm lần đầu: 24 tháng
  • Chu kỳ đăng kiểm định kỳ với xe sản xuất dưới 7 năm: 12 tháng
  • Chu kỳ đăng kiểm định kỳ với xe sản xuất trên 7 năm: 6 tháng
  • Chu kỳ đăng kiểm định kỳ với xe sản xuất trên 20 năm: 3 tháng

Ô tô rơ moóc, sơmi rơ moóc:

  • Chu kỳ đăng kiểm lần đầu: 24 tháng
  • Chu kỳ đăng kiểm định kỳ với xe sản xuất dưới 12 năm: 12 tháng
  • Chu kỳ đăng kiểm định kỳ với xe sản xuất trên 12 năm: 6 tháng

    Lưu ý:

  • Chu kỳ lần đầu chỉ áp dụng với xe chưa qua sử dụng kiểm định lần đầu trong thời gian 2 năm kể từ năm sản xuất.
  • Số chỗ trên ô tô chở người bao gồm luôn cả người lái.
  • Như vậy, thời hạn đăng kiểm điểm xe 4 chỗ, 5 chỗ, 7 chỗ và xe bán tải sẽ theo quy định đăng kiểm của nhóm ô tô chở người các loại đến 9 chỗ. Trường hợp là xe chạy dịch vụ sẽ theo quy định đăng kiểm của nhóm ô tô chở người các loại đến 9 chỗ có kinh doanh vận tải.

 

Cách tra cứu thông tin đăng kiểm xe ô tô

Hiện nay, chủ xe ô tô có thể tra cứu đăng kiểm xe tại website của Cục Đăng Kiểm Việt Nam. Cách tra cứu như sau:

Bước 1: Truy cập vào website của Cục Đăng Kiểm Việt Nam

Sử dụng máy tính, máy tính bảng hay điện thoại thông minh có kết nối internet truy cập vào website của Cục Đăng Kiểm Việt Nam. Sau đó vào mục Tra cứu Phương tiện xe cơ giới cho chủ phương tiện

Bước 2: Nhập đầy đủ các thông tin yêu cầu

Tại ô Biển đăng ký nhập biển số xe. Đối với xe biển 5 số, nếu biển trắng thêm chữ T (Ví dụ: 29A01234T), biển xanh thêm chữ X; biển vàng thêm chữ V.

Tại ô Nhập mã xác thực nhập đúng dãy số và chữ xác thực bên trên. Chú ý nhập chính xác chữ hoa và chữ thường.

Tại ô Số tem, giấy chứng nhận hiện tại nhập số seri in trên Giấy chứng nhận kiểm định, Tem kiểm định của xe. Lưu ý nhập cả dấu “-” phân cách giữa chữ cái và chữ số đúng như trên Giấy chứng nhận kiểm định. Ví dụ: KC-2860472.

Bước 3: Nhấn Tra cứu

Sau khi nhập đầy đủ thông tin nhấn vào Tra cứu, kết quả Thông tin phương tiện sẽ hiển thị trên màn hình. Trong mục Lần kiểm định gần nhất có đầy đủ thông tin: ngày kiểm định, số tem GCN, đơn vị kiểm định, hạn hiệu lực GCN. Qua những thông tin này chủ xe sẽ biết ngày kiểm định gần nhất là ngày nào, hạn hiệu lực và thời gian kiểm định lần tiếp theo.

Khi tra cứu biển số xe ô tô Cục Đăng Kiểm, ngoài thông tin đăng kiểm, chủ xe còn có thể tra cứu số khung – số máy, thông số kỹ thuật xe và tra cứu phạt nguội xe.

Phí đăng kiểm ô tô mới nhất 2021

Căn cứ vào Biểu giá dịch vụ ban hành kèm theo Thông tư 238/2016/TT-BTC, phí đăng kiểm ô tô như sau:

– Xe ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi, xe ô tô cứu thương: 240.000 đồng/xe

– Xe ô tô chở người từ 10 ghế đến 24 ghế (kể cả lái xe): 280.000 đồng/xe

– Xe ô tô chở người từ 25 đến 40 ghế (kể cả lái xe): 320.000 đồng/xe

– Xe ô tô chở người trên 40 ghế (kể cả lái xe), xe buýt: 350.000 đồng/xe

– Rơ moóc, sơ mi rơ moóc: 180.000 đồng/xe

– Máy kéo, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ và các loại phương tiện vận chuyển tương tự: 180.000 đồng/xe

– Xe ô tô tải có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông đến 2 tấn: 280.000 đồng/xe

– Xe ô tô tải có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông trên 2 tấn đến 7 tấn: 320.000 đồng/xe

– Xe ô tô tải có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông trên 7 tấn đến 20 tấn, xe ô tô đầu kéo có khối lượng kéo theo cho phép tham gia giao thông đến 20 tấn và các loại máy kéo: 350.000 đồng/xe

– Xe ô tô tải có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông trên 20 tấn, xe ô tô đầu kéo có khối lượng kéo theo cho phép tham gia giao thông trên 20 tấn và các loại xe ô tô chuyên dùng: 560.000 đồng/xe

Phí đăng kiểm lại xe ô tô
Khi đăng kiểm, nếu xe ô tô không đạt tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phải bảo dưỡng sửa chữa và tiến hành kiểm định lại. Phí đăng kiểm lại xe ô tô được tính như sau:

– Nếu kiểm định lại cùng ngày với lần kiểm định đầu tiên: Miễn phí đối với kiểm định lại lần 1 và 2; từ lần thứ 3 trở đi mỗi lần kiểm định lại thu bằng 50% giá quy định.

– Nếu kiểm định lại sau 1 ngày và trong thời hạn 7 ngày (không kể ngày nghỉ theo chế độ) tính từ ngày kiểm định lần đầu: Mỗi lần kiểm định lại thu bằng 50% giá quy định.

– Nếu kiểm định lại sau 7 ngày (không kể ngày nghỉ theo chế độ) tính từ ngày kiểm định lần đầu: Giá kiểm định được tính như kiểm định lần đầu.

– Kiểm định xe cơ giới để cấp Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (có thời hạn không quá 15 ngày): Giá bằng 100% giá quy định.

– Kiểm định mang tính giám định kỹ thuật, đánh giá chất lượng theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân: Giá thỏa thuận nhưng không vượt quá 3 lần mức giá quy định.

Hồ sơ đăng kiểm ô tô


Theo Khoản 2, Điều 5, Thông tư 70/2015/TT-BGTVT, khi đưa xe ô tô đến đơn vị đăng kiểm, chủ xe cần nộp đầy đủ hồ sơ đăng kiểm gồm:

– Xuất trình bản chính Giấy đăng ký xe hoặc một trong các giấy tờ sau còn hiệu lực: Bản sao Giấy đăng ký xe có xác nhận của ngân hàng đang cầm giữ, bản sao Giấy đăng ký xe có xác nhận của tổ chức cho thuê tài chính, giấy hẹn cấp Giấy đăng ký xe.

– Xuất trình bản chính Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực.

– Nộp bản chính Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật (ATKT) và bảo vệ môi trường (BVMT) xe cơ giới cải tạo (đối với xe cơ giới mới cải tạo).

– Với xe cơ giới thuộc đối tượng phải lắp thiết bị giám sát hành trình, cung cấp thông tin về tên đăng nhập, mật khẩu truy cập và địa chỉ trang website quản lý thiết bị giám sát hành trình.

Thủ tục đăng kiểm xe ô tô


Theo Khoản 2, Điều 8, Thông tư 70/2015/TT-BGTVT, thủ tục, quy trình đăng kiểm xe ô tô tại đơn vị đăng kiểm như sau:

Bước 1: Tổ chức, cá nhân đưa xe và hồ sơ đến đơn vị đăng kiểm.

Bước 2: Đơn vị đăng kiểm tiếp nhận, kiểm tra.

– Đơn vị đăng kiểm tiếp nhận, kiểm tra, đối chiếu hồ sơ với dữ liệu trên chương trình quản lý kiểm định. Nếu không đầy đủ hoặc không hợp lệ sẽ hướng dẫn chủ xe hoàn thiện lại. Nếu đầy đủ, hợp lệ sẽ thu phí, tiến hành kiểm tra, đánh giá tình trạng ATKT và BVMT của xe cơ giới và in phiếu kiểm định.

– Nếu xe kiểm định đạt yêu cầu, đơn vị đăng kiểm thu lệ phí cấp Giấy chứng nhận kiểm định. Trả Giấy chứng nhận kiểm định, hóa đơn thu phí đăng kiểm và lệ phí, cấp Giấy chứng nhận kiểm định ngay cho chủ xe và dán Tem kiểm định cho xe.

– Nếu xe chỉ có giấy hẹn cấp Giấy đăng ký xe, đơn vị đăng kiểm thực hiện kiểm định. Nếu đạt yêu cầu thì chỉ dán tem kiểm định và cấp giấy hẹn trả giấy chứng nhận kiểm định cho chủ xe. Khi chủ xe xuất trình Giấy đăng ký xe thì đơn vị đăng kiểm trả Giấy chứng nhận kiểm định.

– Nếu xe kiểm định có hạng mục khiếm khuyết, hư hỏng, đơn vị đăng kiểm in và gửi thông báo cho chủ xe những khiếm khuyết, hư hỏng để sửa chữa, khắc phục. Trường hợp phải kiểm định lại thì đơn vị đăng kiểm thông báo xe cơ giới không đạt trên chương trình quản lý kiểm định. Xe cơ giới có thể kiểm định lại tại bất kỳ đơn vị đăng kiểm nào.

Quy trình đăng kiểm xe ô tô
Quy trình đăng kiểm xe ô tô gồm 5 công đoạn:

Kiểm tra tổng quát

Công đoạn này gồm 13 hạng mục kiểm tra liên quan đến: biển số đăng ký – số khung – số máy, động cơ và hệ thống liên quan, màu sơn xe, cơ cấu chuyên dùng, cơ cấu khóa hãm, hệ thống đèn chiếu sáng – tín hiệu, thiết bị bảo vệ thành bên, chắn bùn, bình chữa cháy, bánh xe, lốp dự phòng…

Kiểm tra phần trên ô tô

Công đoạn này gồm 17 hạng mục kiểm tra liên quan đến: kính lái, gạt mưa và phun nước rửa kính, gương chiếu hậu, bảng đồng hồ, vô lăng lái, trục lái, trợ lực lái, các bàn đạp điều khiển, phanh đỗ, tay vịn, cột chống (với xe khách), ghế ngồi và đai an toàn, thân vỏ buồng lái, thùng hàng, sàn bệ khung xương, cửa và tay nắm, dây điện phần trên…

Kiểm tra phanh trên băng thử

Công đoạn này gồm 4 hạng mục kiểm tra: độ trượt ngang của bánh xe dẫn hướng, sự hoạt động và tính hiệu quả của phanh chính, sự hoạt động và tính hiệu quả của phanh đỗ, sự hoạt động của các thiết bị phanh khác.

Kiểm tra khí thải và tiếng ồn

Công đoạn này gồm 4 hạng mục kiểm tra: độ ồn, còi điện, nồng độ CO và HC phát thải của xe máy xăng, độ đục của khí thải xe máy dầu.

Kiểm tra phần dưới ô tô

Công đoạn này gồm 18 hạng mục kiểm tra: sắt xi và liên kết, dẫn động phanh chính, dẫn động phanh đỗ, dẫn động li hợp, cơ cấu lái và dẫn động khớp cầu và khớp chuyển hướng, ngõng quay lái, moay ơ bánh xe, hệ thống đàn hồi, hệ thống treo khí nén, thanh dẫn hướng và thanh ổn định, giảm chấn, khớp nối của hệ thống treo, các đăng, hộp số, cầu xe, hệ thống dẫn khí xả, dây điện phần dưới…

Bài viết liên quan

Nên sử dụng lốp dự phòng loại nhỏ trong bao lâu?

Vì sao không nên hạ kính cửa sổ khi xe đang chạy?

Toyota Venza 2021 có thêm bản GR, ngoại thất thể thao hơn

Nguyên nhân lốp ô tô nhanh hỏng, lốp mòn không đều

Xe ô tô khó nổ máy nguyên nhân do đâu?

Sáng tạo với lốp cũ


Hotline Zalo
Loading...
×