Trên thành lốp thường có rất nhiều chữ và số thể hiện kích thước và chủng loại lốp. Ví dụ, trên lốp có dòng chữ, số P215/65R17 thì chữ P là viết tắt của “Passenger Vehicle”, tức là xe du lịch 7 chỗ trở xuống. Nếu thay bằng LT, tức là lốp dành cho xe bán tải nhẹ (Light Truck), thường dùng cho xe tải trọng lớn, hay T dùng để chỉ lốp dự phòng. Con số 215 biểu thị bề rộng của lốp theo mm, con số thứ hai, 65, thể hiện tỷ số giữa độ cao thành lốp với chiều rộng lốp. Trong trường hợp này, thành lốp bằng 65% chiều rộng 215mm. R là chữ đầu của Radial, thể hiện lốp bố tròn, để phân biệt với loại bố chéo (Bias). Lốp bố tròn thường dùng cho xe du lịch vì phù hợp với mọi loại đường, còn lốp bố chéo thường dùng cho xe việt dã. Về cảm giác lái và hiệu quả tiêu thụ nhiên liệu, lốp B thua lốp R. Số cuối cùng, 17, chỉ đường kính vành xe lắp lốp. Và trong khi các kích thước của lốp trên toàn thế giới được tính bằng đơn vị hệ mét thì đường kính vành xe lại đo bằng inch.
Ngoài các thông tin cơ bản trên, thành lốp còn có nhiều ký hiệu khác, như tải trọng tối đa, áp suất lốp tối đa và tốc độ an toàn tối đa. Thông tin về tải trọng và áp suất khá dễ hiểu, còn tốc độ được quy ước bằng mã. Cụ thể, kí hiệu T cho biết tốc độ tối đa cho phép của lốp là 190 km/h; chữ H - 210 km/h; V - 240 km/h; và W - 270 km/h. Lốp ký hiệu Z chưa được tiêu chuẩn hoá quốc tế mà tuỳ thuộc vào từng nhà sản xuất, nhưng ít nhất chịu được tốc độ tối đa như lốp V. Thông thường, chỉ cần lốp T là đủ để chạy trên đường cao tốc.
Ngoài các ký hiệu bằng chữ và số, trên một số lốp còn có biểu tượng núi (Mountain), cho biết lốp có thể dùng cho mùa đông. Ở xứ lạnh, có hai loại lốp mùa đông: M&S dùng cho xe thường chạy trên đường nhiều bùn và tuyết (Mud & Snow), còn có biểu tượng bông tuyết bên trong núi thì đó là lốp dùng cho thời tiết có tuyết và băng. Một số biểu tượng khác trên lốp là TL (viết tắt của tubless - lốp không xăm), SSR (Runflat tire - lốp có thể chạy ở tốc độ cao trên một đoạn đường dài ngay cả khi bị xẹp).