Đồ chơi, phụ kiện ôtô ngày càng được nhiều tài xế gắn thêm trên xe với những mục đích khác nhau. Tuy nhiên, không phải phụ kiện nào cũng được chấp nhận khi đưa xe đi đăng kiểm.
Hiện nay việc sản xuất, lắp ráp, cải tạo, chăm sóc bảo dưỡng và nhập khẩu xe cơ giới khi tham gia giao thông đường bộ phải tuân thủ các quy định chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, nhiều người muốn xe đẹp, độc, lạ hơn nên đã tự ý thay đổi kết cấu của xe mà không có sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền.
Tại Khoản 2, Điều 55, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định phương tiện không được tự ý thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Việc cải tạo, độ này có thể khiến xe gây mất an toàn khi di chuyển và ảnh hưởng đến chất lượng khí thải. Do vậy, nhiều chi tiết, hạng mục kỹ thuật trên xe ô tô bị cấm cải tạo, thay đổi, thêm bớt với thiết kế của nhà sản xuất. Cụ thể:
Gắn thêm cản bảo vệ
Việc lắp thêm cản được cho là hành vi tự ý cải tạo kết cấu, hình dáng, kích thước của xe, không đúng thiết kế của nhà sản xuất hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Trong trường hợp này, theo quy định tại Khoản 9, Điều 30 Nghị định 46/2016 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, việc lắp cản trước và cản sau có thể bị xử phạt từ 6-8 triệu đồng đối với cá nhân, và 12-16 triệu đồng đối với tổ chức là chủ ô tô vi phạm hành vi: Tự ý thay đổi tổng thành khung, tổng thành máy (động cơ), hệ thống phanh, hệ thống truyền động (truyền lực), hệ thống chuyển động hoặc tự ý cải tạo kết cấu, hình dáng, kích thước của xe, thùng xe hoặc tự ý lắp thêm, tháo bớt ghế, giường nằm (đối với xe khách) không đúng thiết kế của nhà sản xuất hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; tự ý thay đổi tính năng sử dụng của xe.
Như vậy, việc bạn lắp thêm cản trước, sau đã vô tình vi phạm hành vi thay đổi kích thước xe. Trường hợp này, nếu tham gia giao thông sẽ bị xử phạt từ 6-8 triệu đồng (cá nhân). Bên cạnh đó, cơ quan đăng kiểm cũng có quyền từ chối đăng kiểm chiếc ô tô của anh vì đã tự ý thay đổi kết cấu, kích thước xe theo đúng quy định của nhà sản xuất.
Lốp sai kích cỡ
Lốp xe là chi tiết tiếp xúc trực tiếp với mặt đường, truyền lực kéo giúp xe di chuyển và hãm tốc khi phanh. Khi vận hành, chi tiết này chịu tải trọng, ma sát, mài mòn, nhiệt độ cao và áp suất cao.
Nhiều người mong muốn chiếc xe của mình được khoẻ khoắn, cao ráo thường “độ” la-zăng và lốp của xe sang cỡ lớn hơn. Tuy nhiên điều này sẽ khiến hệ thống lái bị ảnh hưởng ít nhiều, thông số về tốc độ trên đồng hồ cũng bị sai lệch.
Việc “độ” lốp sai kích cỡ cũng không được cơ quan đăng kiểm chấp nhận, họ chỉ đồng ý đăng kiểm đúng loại lốp được ghi trên thông số kỹ thuật ban đầu của nhà sản xuất mà thôi.
Đồng thời, việc “độ” lốp ô tô khi ra đường có thể bị cảnh sát giao thông xử phạt. Theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, hành viđiều khiển xe không lắp đủ bánh lốp hoặc lắp bánh lốp không đúng kích cỡ hoặc không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật bị phạt tiền từ 800 nghìn đến 1 triệu đồng.