Dù đi nhiều hay ít, những chiếc xe cũ sau nhiều năm sử dụng sẽ gặp phải những lỗi, hỏng hóc theo thời gian mà chủ xe nên biết để có cách phát hiện, phòng tránh hợp lý.
Vô lăng ô tô bị rung lắc
Khi xe hoạt động bình thường mà vô lăng ô tô bị rung lắc mạnh tức là đã có vấn đề ở phần hệ thống lái. Độ nghiêm trọng có thể được đánh giá bởi cường độ rung lắc cảm nhận được. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ khiến việc xử lý các tình huống gặp nhiều khó khăn, thậm chí nguy hiểm.
Ngoài nguyên nhân chính là do hệ thống treo lái ô tô, hiện tượng vô lăng ô tô bị rung còn có thể do bugi xe ô tô gặp trục trặc, tỷ lệ xăng/gió sai lệch và mất áp suất động cơ. Trong trường hợp này, bạn nên kiểm tra lại dây cao áp. Nếu mất áp suất động cơ thì có thể do van bị rò rỉ hoặc nắp ron nạp quy lát bị gãy.
Bị yếu máy
Xe ô tô bị yếu máy là một dấu hiệu dễ nhận biết nhất khi lâu ngày bạn không đưa xe mình bảo dưỡng định kỳ. Khi nhấn chân ga, động cơ không còn “nhạy” như lúc mới mua và hành trình chân ga của bạn phải dài hơn so với bình thường. Để biết chính xác nguyên nhân do đâu, bạn cần phải kiểm tra lại lọc gió, đường dẫn nhiên liệu và péc phun.
Đây là những chi tiết có khả năng lớn nhất gây ra lỗi động cơ chạy yếu. Péc phun đẩy nhiên liệu vào xy lanh để kết hợp cùng không khí đã qua màng lọc. Sau đó, hệ thống sẽ đánh lửa và làm piston chạy. Nếu đường ống rò rỉ và bơm yếu, tỉ lệ phối trộn hỗn hợp nhiên liệu sẽ sai lệch dẫn đến xe hoạt động yếu hơn bình thường.
Điều hoà trục trặc
Điều hoà ô tô là bộ phận không thể thiếu trong mỗi hành trình, đặc biệt là vào mùa hè. Nếu như trong khoảng 5-7 năm đầu tiên, hệ thống điều hoà trên xe hoạt động vẫn khá tốt thì sau năm thứ 7, ít nhiều ô tô sẽ gặp những vấn đề về hệ thống này.
Những lỗi liên quan đến điều hoà như: Làm mát kém, không lạnh sâu và nặng hơn là chết điều hoà, lúc này nó không còn tác dụng làm mát.
Phanh không ăn, bó phanh.
Phanh (thắng) là bộ phận quan trọng bậc nhất, ảnh hưởng trực tiếp đến việc lái và an toàn của xe. Sau một quá trình sử dụng, hệ thống này cũng rất dễ xảy ra những lỗi và hỏng hóc.
Nếu phanh không ăn, độ nhạy kém, nguyên nhân có thể là do đường dầu hoặc khí của hệ thống phanh bị rò rỉ; pis-ton bánh trước bị bó thường ở phanh đĩa; bầu trợ lực hơi và phớt giữa tổng trên bị hỏng; cup-pen phanh bị hỏng; dây phanh tay bị đứt hoặc bị bó; má phanh quá mòn,…
Tăng tốc bị giật lắc
Vào một ngày đẹp trời, bạn phát hiện xe ô tô bị giật khi tăng tốc. Tại sao lại như thế? Nguyên nhân chính của vấn đề này thường xuất phát từ nhiên liệu cung cấp không đủ (hết xăng) hoặc các nguyên nhân sâu xa hơn như kim phun bẩn và lọc nhiên liệu bị tắc. Khi bị hiện tượng này, giải pháp “an toàn” nhất là bạn hãy đưa xe mình ra các trung tâm bảo dưỡng uy tín để kỹ thuật viên có thể kiểm tra một cách toàn diện.
Leo dốc khó
Có khá nhiều nguyên nhân khiến xe leo dốc khó. Trong đó phổ biến nhất là lọc xăng xe ô tô bị nghẹt. Khi hoạt động, các cặn bẩn của xăng sẽ được giữ lại trên bộ lọc này, sau một thời gian lọc xăng sẽ bị tắc và dẫn tới tình trạng thiếu nhiên liệu. Và khi leo dốc, xe cần phải bơm xăng mạnh hơn nữa dẫn tới tình trạng phải hoạt động mạnh hơn. Nhưng do lọc xăng bị tắc nên không đáp ứng đủ lượng xăng cần thiết, khiến động cơ bị khựng lại và giảm công suất vốn có của động cơ xe.