Video tư vấn, giới thiệu

Những hạng mục cần thay thế, bảo dưỡng định kỳ theo số Km cho xe ô tô

Bảo dưỡng, thay thế phụ tùng và các vật tư theo định kỳ là một việc làm cần thiết để đảm bảo xe có độ bền cao, luôn hoạt động ổn định, và giúp chúng ta luôn an tâm mỗi khi sử dụng. Bài viết sau sẽ liệt kê danh mục một số những hạng mục cần bảo dưỡng định kỳ theo số km đi được của ô tô. Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng mỗi nhà sản xuất lại có những yêu cầu cụ thể riêng. Vì vậy đừng quên tham khảo thêm thông tin trong sách hướng dẫn sử dụng đi kèm theo xe. 

Sau 5000 km:
Thường chúng ta sẽ bảo dưỡng ô tô định kỳ sau mỗi 5000 km. Công việc bạn cần làm cho mỗi lần bảo dưỡng định kỳ này là thay dầu máy, vệ sinh lọc gió động cơ và lọc gió điều hòa. Thông thường bạn không nhất thiết phải thay dầu máy sau mỗi 5000 km, trừ khi xe thường xuyên vận hành trong điều kiện khắc nghiệt. Nhưng sau 5000 km đầu tiên thì bạn nên thay dầu vì nó có thể lẫn những vụn kim loại. Sau đó bạn có thể thay sau mỗi 10.000 km. 

Thay dầu động cơ là công việc bảo dưỡng xe đơn giản, bạn có thể tự mình thực hiện nếu xe hết hạn bảo hành hoặc không thể sắp xếp tới gara bảo dưỡng. Những hướng dẫn trong bài viết này sẽ hữu ích cho bạn: Hướng dẫn tự thay nhớt động cơ cho xe ô tô

Ngoài ra nếu cẩn thận hơn, bạn nên nhờ các kỹ thuật viên kiểm tra mực dầu thắng, dầu hộp số, nước làm mát, nước rửa kính, ... và châm thêm nếu thiếu hụt.  

Sau 15.000 km:

Trong lần thay dầu thứ 2 này bạn cũng nên thay luôn lọc dầu. Lọc dầu có nhiệm vụ giữ lại các cặn bẩn, giúp động cơ được bôi trơn với dầu sạch và luôn hoạt động tốt. Các chuyên gia khuyên tốt nhất là nên thay lọc dầu cùng lúc với khi thay dầu, tức sau mỗi 10.000 km. Ngoài ra, ở mốc thời gian này bạn cũng nên đảo lốp nếu cần thiết, và sau đó tiếp tục đảo lốp sau mỗi 10.000 km. 

Sau 30.000 km:

Sau mỗi 30.000 km, chiếc lọc gió động cơ và lọc gió điều hòa sẽ dơ và nghẹt, ảnh hưởng đến hoạt động của động cơ và sức khỏe của bạn. Bạn cần thay lọc gió động cơ và lọc gió điều hòa định kỳ sau 30.000 km để động cơ làm việc êm ái và tiết kiệm nhiên liệu hơn đồng thời giúp hệ thống điều hòa hoạt động tốt và bảo vệ sức khỏe của bạn.

Sau 40.000 km:

Công việc bạn cần làm cho chiếc xe của mình sau mỗi 40.000 km bao gồm: Thay lọc nhiên liệu, thay dầu hộp số, dầu vi sai, dầu trợ lực, dây cua roa, dung dịch làm mát, dầu phanh và dầu li hợp.

Việc thay dầu hộp số và dầu vi sai định kỳ cũng quan trọng như thay dầu máy. Điều này giúp hộp số, bộ vi sai được bôi trơn và hoạt động êm dịu, đảm bảo cho hệ thống truyền động của xe luôn làm việc tốt. 

Sau một thời gian xe hoạt động, lọc nhiên liệu sẽ bị dơ do các cặn bẩn và tạp chất. Bạn cần thay thế lọc nhiên liệu mới để tránh tình trạng lọc bị nghẹt ảnh hưởng đến quá trình cung cấp nhiên liệu cho động cơ. Nên thay thế lọc nhiên liệu định kỳ sau mỗi 40.000 km.

Sau một thời gian dài sử dụng, dầu phanh và dầu ly hợp có thể lẫn hơi ẩm làm giảm khả năng ăn mòn của dầu phanh và ảnh hưởng đến khả năng làm việc của hệ thống phanh. Bạn cần thay thế dầu phanh và dầu thủy lực định kỳ sau 40.000 km để đảm bảo chất lượng dầu, áp suất thủy lực trong hệ thống, giúp hệ thống phanh và ly hợp làm việc tốt nhất. 

Bạn nên thay dầu trợ lực mới sau mỗi 40.000 km để đảm bảo chất lượng bôi trơn của dầu, giúp hệ thống trợ lực tay lái hoạt động êm ái, đánh lái nhẹ nhàng, êm dịu. 

Dây cua roa truyền động sau một thời gian dài sử dụng sẽ bị chai, nứt làm giảm khả năng ma sát, bị trượt trong quá trình làm việc và ảnh hưởng đến hiệu suất truyền động của động cơ. Các chuyên gia khuyến cáo nên thay thế dây cua roa định kỳ sau mỗi 40.000 km để đảm bảo hệ thống truyền động luôn làm việc ổn định và hiệu quả cao. 

Sau 100.000 km:

Nước làm mát động cơ sau một thời gian dài làm việc sẽ bị biến chất, có thể gây đóng cặn và làm ảnh hưởng đến hệ thống làm mát của xe. Bạn cần súc két nước và thay thế toàn bộ nước làm mát định kỳ sau mỗi 100.000 km để đảm bảo hệ thống làm mát luôn hoạt động tốt nhất, động cơ không bị quá nhiệt khi làm việc. Đây cũng là lúc bạn xem xét thay các bộ phận như bugi, má phanh...nếu cần thiết. 

Kiểm tra thường xuyên:

Ngoài những hạng mục kiểm tra định kỳ, còn có những những bộ phận, hệ thống trên xe mà bạn cần kiểm tra thường xuyên hoặc kiểm tra mỗi khi sử dụng xe để đảm bảo chiếc xe luôn trong tình trạng tốt nhất. Các bộ phận cần kiểm tra thường xuyên bao gồm: Hệ thống phanh, hệ thống lái, hệ thống treo, hệ thống chiếu sáng, đèn cảnh báo táp lô, lốp xe, ắc quy,...

Hệ thống phanh: kiểm tra tình trạng đạp phanh ổn định, độ mòn má phanh, guốc phanh, tiếng kêu khi phanh, ống dầu phanh.

 Kiểm tra hệ thống lái: kiểm tra tình trạng đánh lái nhẹ nhàng, ổn định khi lái xe.

Kiểm tra hệ thống treo: kiểm tra tình trạng giảm chấn (phuộc), lò xo, cao su, ….được lắp ráp chắc chắn, không rơ lỏng

Kiểm tra hệ thống chiếu sáng: Kiểm tra bằng cách bật công tắc điều khiển đèn chiếu sáng và đèn tín hiệu trên xe của bạn và kiểm tra bằng mắt xem tất cả các đèn đều hoạt động bình thường hay không.

Kiểm tra các đèn cảnh báo trên đồng hồ táp lô: Khi bật công tắc máy, tất cả các đèn báo phải sáng hết sau đó 30-60 giây, các đèn sẽ tắt từ từ tùy theo đèn của hệ thống nào và khi bạn nổ máy thì tất cả các đèn cảnh báo này phải tắt hết. Nếu còn đèn báo của hệ thống nào sáng, chứng tỏ hệ thống đó trên xe của bạn gặp trục trặc. 

Bạn cần kiểm tra độ mòn lốp xe bằng cách nhìn dấu báo mòn trên lốp, áp suất lốp, độ mòn đều của lốp,...Nên kiểm tra áp suất lốp tiêu chuẩn định kỳ mỗi tháng một lần. 

Bình ắc quy: Bạn cần kiểm tra ắc quy thường xuyên mỗi tháng một lần hoặc trước mỗi lần sử dụng xe. Đảm bảo các cọc bình luôn sạch sẽ và được xiết chặt. Đối với ắc quy có dung dịch cần đảm bảo mức dung dịch đúng tiêu chuẩn. 

Bài viết liên quan

Việt Nam nhập khẩu kỷ lục gần 16.000 ô tô chỉ trong 15 ngày

Các hư hỏng thường gặp trên hệ thống lái và cách khắc phục

Chẩn đoán động cơ thông qua tình trạng của bugi và cách khắc phục

HƯỚNG DẪN TỪ A - Z LỰA CHỌN LỐP XE SANTAFE

Giấy tờ xe ô tô gồm những gì? Không mang phạt bao nhiêu?

Đi hỏi hơn 30.000 chủ xe, nhóm chuyên gia chốt lại: Xe Ford kém bền hơn cả Mercedes-Benz

Những vấn đề thường gặp ở hệ thống đánh lửa điện tử trên ô tô và cách khắc phục

Sự nguy hiểm tiềm ẩn của lốp xe non hơi


Hotline Zalo
Loading...
×