Bão số 3 đã gây thiệt hại nghiêm trọng tại nhiều tỉnh thành phía Bắc Việt Nam, trong đó không ít trường hợp cây xanh đổ đè bẹp, hỏng ô tô. Vậy cây đổ đè bẹp, hỏng ô tô do thiên tai có được bảo hiểm đền bù?
Các tai nạn nằm trong phạm vi bảo hiểm bồi thường
Bảo hiểm ô tô có nhiều loại và các gói khác nhau. Chính vì vậy, các chủ xe cần tìm hiểu quy định trong các gói bảo hiểm trước khi mua, qua đó có thể xác định được trường hợp rủi ro nào sẽ được bảo hiểm đền bù.
Chủ xe sẽ được bồi thường chi phí sửa chữa xe nếu mua đúng loại hình sản phẩm bảo hiểm.
Bảo hiểm cơ giới xe ô tô bao gồm nhiều loại hình sản phẩm như: Bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc của chủ xe cơ giới; bảo hiểm tai nạn lái, phụ xe và người ngồi trên xe; bảo hiểm thiệt hại vật chất xe; bảo hiểm trách nhiệm của chủ xe đối với hàng hoá vận chuyển trên xe...
Chủ xe sẽ được bồi thường thiệt hại khi bị cây xanh đổ vào xe trong trường hợp mua gói bảo hiểm vật chất xe.
Đây là gói bảo hiểm tự nguyện nên mỗi công ty bảo hiểm sẽ có một quy tắc bảo hiểm vật chất riêng biệt, được ban hành kèm theo quyết định của người có thẩm quyền (người đại diện theo pháp luật hoặc theo ủy quyền của công ty). Mức phí gói này sẽ do bên công ty bảo hiểm tính toán, đàm phán với chủ xe, thường thì bên bảo hiểm sẽ căn cứ vào giá trị của xe ôtô để đưa ra mức phí.
Nhìn chung, gói bảo hiểm vật chất có phạm vi bồi thường cho chủ xe những thiệt hại vật chất xe xảy ra do: Những tai nạn bất ngờ, ngoài sự kiểm soát của chủ xe, lái xe trong những trường hợp: Đâm va, lật, đổ, rơi; chìm; hoả hoạn, cháy, nổ; bị các vật thể khác rơi, va chạm vào;
Những tai họa bất khả kháng do thiên nhiên: Bão, lũ lụt, sụt lở, sét đánh, động đất, mưa đá, sóng thần; Mất cắp, mất cướp toàn bộ xe.
Ngoài ra, bảo hiểm vật chất còn thanh toán những chi phí cần thiết và hợp lý phát sinh do tai nạn thuộc phạm vi bảo hiểm nhằm ngăn ngừa, hạn chế tổn thất phát sinh thêm, bảo vệ và đưa xe thiệt hại tới nơi sửa chữa gần nhất, giám định tổn thất.
Nếu xe đang đỗ đúng vị trí, bị hư hỏng do cây xanh đổ trúng - đây là sự kiện bất khả kháng, nên nếu đóng bảo hiểm vật chất xe ôtô, chủ xe sẽ được bảo hiểm chi trả chi phí sửa chữa xe.
Trường hợp nào được thanh toán bảo hiểm?
Trong trường hợp gặp phải tai nạn hy hữu này, để xác định được mức độ hư hỏng của xe và đưa ra mức đền bù hợp lý, cơ quan bảo hiểm sẽ tiến hành giám định tình trạng xe sau khi bị cây đổ đè lên.
Chính vì vậy, nếu chủ xe đã mua bảo hiểm vật chất, để được thanh toán bảo hiểm trong trường hợp này thì ngay sau khi gặp sự cố, chủ nên gọi điện thông báo ngay tới trung tâm hỗ trợ khách hàng của các công ty bảo hiểm.
Bên cạnh đó, bạn nên ghi lại hình ảnh hiện trường và gọi ngay cho cơ quan chức năng đến ghi nhận hiện trường. Công ty bảo hiểm sẽ căn cứ vào xác nhận của lực lượng chức năng hoặc hình ảnh hiện trạng khi xe gặp sự cố để thanh toán bảo hiểm. Sau khi bạn thông báo, công ty bảo hiểm sẽ cử nhân viên đến ghi nhận thiệt hại xảy ra đối với chiếc xe của bạn, đồng thời hướng dẫn các thủ tục giấy tờ bảo hiểm cho xe của bạn.
Mức độ bồi thường sẽ phụ thuộc vào:
- Gói bảo hiểm: Mỗi gói bảo hiểm sẽ có mức độ bảo vệ và điều khoản bồi thường khác nhau.
- Mức độ hư hỏng: Tùy thuộc vào mức độ hư hỏng của xe mà bạn sẽ được bồi thường một phần hoặc toàn bộ giá trị xe ô tô.
- Điều khoản trong hợp đồng: Bạn cần đọc kỹ điều khoản trong hợp đồng bảo hiểm để hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình.
Quy trình giải quyết và lời khuyên cho chủ xe:
1. Báo cáo sự việc: Ngay khi phát hiện thiệt hại do cây đổ, chủ xe cần lập tức thông báo cho cơ quan chức năng (công an, chính quyền địa phương) và lập biên bản hiện trường.
2. Liên hệ bảo hiểm: Nếu đã tham gia bảo hiểm vật chất, việc liên hệ với công ty bảo hiểm để khai báo thiệt hại là bước tiếp theo. Cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, giấy tờ cần thiết để quá trình bồi thường diễn ra thuận lợi.
3. Bảo dưỡng định kỳ: Ngoài ra, chủ xe nên thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng ô tô để giảm thiểu các rủi ro hỏng hóc do thời tiết.
Việc đền bù thiệt hại khi ô tô bị cây đổ đè do bão số 3 phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó gói bảo hiểm xe là yếu tố quyết định chính. Nếu cây đổ là do quản lý kém, người dân có thể yêu cầu cơ quan chức năng xem xét bồi thường. Tuy nhiên, phần lớn các thiệt hại liên quan đến thiên tai thường không được đền bù trực tiếp từ nhà nước, mà thông qua bảo hiểm.